'Instagram Trung Quốc' đang dẫn dắt ngành du lịch

Xiaohongshu đang trở thành cuốn cẩm nang du lịch bất ly thân dành cho giới trẻ Trung Quốc.

 Du khách đứng ngoài đường chụp ảnh bất chấp xe cộ lưu thông ở Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Du khách đứng ngoài đường chụp ảnh bất chấp xe cộ lưu thông ở Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Nằm khuất sau khu dân cư ở phía tây Hong Kong, một sân bóng rổ tại thị trấn Kennedy không được người dân chú ý. Nhưng đối với khách du lịch, đây là điểm đến không thể bỏ qua nhờ vị trí đắc địa, nằm trên sườn đồi và có tầm nhìn rộng mở.

Trong khi đó, cách xa hàng nghìn km ở Seoul (Hàn Quốc), đám đông nói tiếng Quan Thoại tụ tập ở Seongsu-dong, một khu vực nổi tiếng với các quán cà phê thời thượng. Nhưng thay vì nhâm nhi ly cà phê, họ chụp ảnh với một bức tường màu đỏ nổi tiếng trên Xiaohongshu (Little Red Book) - mạng xã hội được cho là thay thế Instagram ở Trung Quốc.

Theo CNN, "cuốn sách đỏ" này là cẩm nang du lịch bất ly thân của giới trẻ đất nước tỷ dân. "Ứng dụng này khá toàn diện vì cung cấp nhiều tiện ích du lịch mà các nền tảng khác chưa thể sánh được", Jiao Le, một du khách đến từ Bắc Kinh, nói.

 Nữ du khách chụp ảnh tại sân bóng rổ ở thị trấn Kennedy, Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Nữ du khách chụp ảnh tại sân bóng rổ ở thị trấn Kennedy, Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Với khoảng 1,4 tỷ dân, Trung Quốc được xem là thị trường lớn trong ngành công nghiệp không khói. Song, một số trang web du lịch chưa khai thác thị phần tiềm năng này bằng việc cung cấp tiếng Trung cho người dùng.

Biết được điều đó, Xiaohongshu "sinh sau đẻ muộn" nhưng lại chiếm ưu thế. Ứng dụng dần thay đổi thói quen vi vu của dân Trung Quốc và tham vọng thâu tóm thị phần du lịch châu Á. Người dùng tại nước này biến những điểm đến xa lạ với khách phương Tây thành chốn quen của du khách từ "công xưởng thế giới".

Xiaohongshu đánh vào tâm lý thích chụp ảnh của người trẻ Trung Quốc. Không ít điểm đến trên thế giới chứng kiến lượng khách đại lục đáng kể thông qua "sách đỏ". Ví như, sân bóng rổ với view đẹp tại Hong Kong, bức tường đỏ ở phố Seongsu-dong Hàn Quốc, hay chiếc ghế dài ở Công viên Trung tâm (New York, Mỹ - nổi tiếng khi ca sĩ Châu Kiệt Luân ngồi nghỉ mệt tại đây)...

Xiaohongshu trở thành cẩm nang du lịch của người dân Trung Quốc. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Xiaohongshu trở thành cẩm nang du lịch của người dân Trung Quốc. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Tại Nhật Bản, một giao lộ có tàu hỏa đi qua tại thành phố Kamakura (tỉnh Kanagawa) được du khách Trung Quốc ghé thăm vì xuất hiện trong bộ phim hoạt hình Slam Dunk.

"Xiaohongshu được ưa chuộng nhờ tính chân thực. Người dùng đi đến khám phá và để lại bình luận", Xia Jiale, du khách từ thành phố Lạc Dương, Trung Quốc, nhận xét.

Độ nổi tiếng của ứng dụng này thu hút sự chú ý của một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch ở châu Âu. Đơn cử là Lobos, nhà hàng tapas ở London (Anh).

"Lobos chính thức có mặt trên Xiaohongshu! Chúng tôi cam kết mang đến thực phẩm Tây Ban Nha chính gốc dành cho bạn!", đơn vị đăng dòng trạng thái thông báo ra mắt trên nền tảng bằng tiếng Trung hồi tháng 8.

Tuy nhiên, trong ngành du lịch, việc một điểm đến trở nên nổi tiếng với du khách là điều đáng mừng nhưng lại là nỗi phiền toái do người dân địa phương.

 Du khách chụp ảnh trước một quán cà phê ở quận Kennedy ở Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Du khách chụp ảnh trước một quán cà phê ở quận Kennedy ở Hong Kong. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Quay trở lại điểm "check-in" tại quán cà phê đối diện sân bóng rổ ở Hong Kong. Điểm đinh hút khách ở đây là cách thiết kế đậm chất cổ điển và tầm nhìn thông thoáng. Tuy nhiên, phía trước cửa hàng chỉ là một con hẻm nhỏ. Du khách cuồng chụp ảnh tràn ra tìm kiếm góc đẹp, chiếm hết phần đường người lớn tuổi, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo CNN, một số cư dân lớn tuổi, bà nội trợ đã phản ánh với chính quyền nhằm đưa ra những biện pháp thích hợp, thỏa mãn "cơn khát" chụp ảnh của khách và sự an toàn cho người dân.

Xiaohongshu được thành lập vào năm 2013, thu hút khoảng 300 triệu người dùng. Ứng dụng cho phép người dân Trung Quốc chia sẻ hoạt động đời sống thường nhật. Phần lớn người truy cập nền tảng này là giới trẻ ở độ tuổi từ 35 trở xuống và sống tại các khu vực đô thị.

Minh Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/instagram-trung-quoc-dang-dan-dat-nganh-du-lich-post1503367.html