Internet vệ tinh của tỉ phú Elon Musk liệu có 'đe dọa' dịch vụ nội địa?

Đã có không ít ý kiến lo ngại rằng dịch vụ internet vệ tinh của tỉ phú Elon Musk có thể là mối nguy cho các dịch vụ internet trong nước. Song, ghi nhận thực tế cho thấy, kể cả khi dịch vụ này được cung cấp tại Việt Nam thì sẽ chỉ là thêm một sự lựa chọn cho người sử dụng. Khi người dân, doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn tại những nơi mà internet cáp quang không thể tiếp cận như vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo… sẽ tạo nên sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh nơi nhà cung ứng nội địa.

Do chi phí và tốc độ, kết nối internet cáp quang tại Việt Nam phổ biến hơn internet vệ tinh. Ảnh minh họa: DNCC

Do chi phí và tốc độ, kết nối internet cáp quang tại Việt Nam phổ biến hơn internet vệ tinh. Ảnh minh họa: DNCC

Internet vệ tinh của tỉ phú Elon Musk “tìm đường” vào Việt Nam

Cách đây vài tháng, trong phái đoàn hơn năm mươi doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó có sự tham gia của đại điện SpaceX – công ty chuyên cung cấp dịch vụ internet vệ tinh do tỉ phú đô-la Mỹ là Elon Musk thành lập.

Tại buổi làm việc của phái đoàn trên với Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện SpaceX cho biết, công ty này muốn hợp tác với Việt Nam trong việc tăng cường năng lực kết nối số. Bởi SpaceX đang sở hữu Starlink – dịch vụ internet vệ tinh phủ sóng toàn cầu. Mà công nghệ internet này rất phù hợp để dùng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang thông thường không thể đáp ứng.

Còn ngày 20-9 vừa qua, nhân chuyến thăm và làm việc tại New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới gồm: SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy, Medtronic…

Tại cuộc tiếp, ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Quan hệ Chính phủ và Kinh doanh toàn cầu của tập đoàn SpaceX đánh giá cao tiềm năng phát triển thời gian tới của Việt Nam. Ông cho biết SpaceX dự kiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam, mong muốn được cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam, qua đó giúp cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng tại những vùng chưa có dịch vụ internet băng thông rộng.

Cũng nói về vai trò của internet vệ tinh, cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, Laurent Tran Dien, người đại diện SpaceX khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết SpaceX đang sử dụng hàng nghìn vệ tinh để phủ sóng internet tốc độ cao tại nhiều nơi trên thế giới. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi phải đối mặt với nhiều thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần, lũ lụt… Trong những tình huống khẩn cấp, kết nối internet vệ tinh giúp duy trì liên lạc trong khi các loại hình kết nối internet khách bị ngưng trệ. Dịch vụ internet vệ tinh của Starlink có thể lắp đặt trên máy bay, tàu đánh cá, ô tô…

Ông Laurent Tran Dien cũng cho hay, Starlink đang tìm kiếm cơ hội để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Ông cũng cho biết, SpaceX là doanh nghiệp toàn cầu, khi triển khai dịch vụ ở bất cứ đâu sẽ tuân theo pháp luật của quốc gia đó.

Sở dĩ ông Laurent Tran Dien nói như trên vì theo quy định của pháp luật Việt Nam, cung cấp dịch vụ internet là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, nếu một doanh nghiệp nước ngoài như Starlink muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp trong nước đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Hoặc Starlink cũng có thể thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam rồi xin giấy phép kinh doanh dịch vụ internet vệ tinh.

Sẽ kích hoạt “cuộc đua” trên xa lộ băng thông cực rộng?

Dịch vụ internet vệ tinh của Elon Musk đã được cung cấp ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Australia và nhiều nước Châu Âu. Ở châu Á, Starlink đã cung cấp dịch vụ tại ở Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia.

Khi cung cấp dịch vụ tại Philippines, dịch vụ internet của Starlink được cung cấp với mức phí tương đương 1,16 triệu đồng/tháng. Nhưng để sử dụng được dịch vụ, người sử dụng phải bỏ ra tương đương với 12,6 triệu đồng để mua bộ thiết bị thu và phát sóng.

Hiện nay, tại Việt Nam đang có các dịch vụ internet sau được cung cấp như: internet di động (3G, 4G), internet cáp quang và internet vệ tinh.

Trong đó dịch vụ 3G, 4G thường được sử dụng khi người dùng di chuyển, khi không có kết nối wifi của internet cáp quang. Bởi tốc độ của internet 3G, 4G không nhanh bằng internet cáp quang. Còn số lượng các gia đình, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ internet vệ tinh không nhiều như internet cáp quang do giá dịch vụ còn cao.

Hiện tại, với kết nối internet băng rộng cố định (cáp quang), người dùng Việt chỉ cần chi mức thấp nhất khoảng 200.000 đồng/tháng là có thể sử dụng dịch vụ (được miễn phí thiết bị phát wifi) của Viettel, FPT hoặc VNPT, CMC…

Với dịch vụ internet vệ tinh, tại Việt Nam hiện chỉ có VNPT cung cấp dịch vụ này với mức giá thấp nhất 1,6 triệu đồng cho thuê bao tháng (chưa bao gồm tiền mua thiết bị thu và phát sóng).

Sở dĩ chưa có nhiều doanh nghiệp nội cung cấp dịch vụ internet vệ tinh bởi muốn cung cấp dịch vụ này, doanh nghiệp phải đầu tư vệ tinh với chi phí rất lớn. Để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh, VNPT đã phải đầu tư phóng 2 quả vệ tinh Vinasat 1 và 2. Trong đó riêng vệ tinh Vinasat 2 đã được đầu tư tới 300 triệu đô la Mỹ…

Xét về tiêu chí giá cước, internet vệ tinh khó có thể cạnh tranh với internet cáp quang tại Việt Nam mà nó chỉ là phương án kết nối internet bổ trợ cho những địa bàn không thuận tiện kéo cáp (như hải đảo, trên tàu biển) hoặc có thể kéo cáp rất xa nhưng ít người dùng nên không hiệu quả về kinh tế…

Cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung trên, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam cũng cho biết, về mặt công nghệ, có thể sử dụng internet vệ tinh của Starlink để đa dạng kết nối internet cho những nhóm người dùng khác nhau.

Theo phân tích của các chuyên gia, internet vệ tinh của Starlink khi được cung cấp tại Việt Nam có thể có giá cung cấp dịch vụ thấp hơn của VNPT (nếu như giá dịch vụ ở Việt Nam được Starlink đưa ra tương đương với Philippines) thì cũng sẽ không phải “đối thủ” của các nhà cung cấp dịch vụ internet cáp quang hoặc internet di động.

Thậm chí Starlink còn có thể trở thành đối tác thay vì đối thủ cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ internet cáp quang hay internet di động trong nước. Bởi nếu họ không muốn thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam rồi xin giấy phép kinh doanh dịch vụ internet vệ tinh thì họ phải hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ internet của nội để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6-2023, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang hơn 77%, cao hơn trung bình thế giới (67%). Số thuê bao băng rộng di động (3G, 4G) đạt gần 86 triệu thuê bao.Cũng đến hết tháng 6 vừa qua, tỉ lệ người sử dụng internet Việt Nam đạt gần 80% dân số. Số thuê bao băng rộng cố định (internet cáp quang) đạt hơn 22,14 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt hơn 101 triệu thuê bao. Số thuê bao internet vệ tinh không được Bộ này thống kê và công bố.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/internet-ve-tinh-cua-ti-phu-elon-musk-lieu-co-de-doa-dich-vu-noi-dia/