Internet vệ tinh sẽ soán ngôi hệ thống cáp quang

Nhiều nước đang có xu hướng phát triển các chùm vệ tinh địa tĩnh và phi địa tĩnh nhằm cung cấp internet băng rộng trên toàn cầu. Điều này có thể làm thay đổi trật tự truyền thống trong lĩnh vực viễn thông, đang phụ thuộc hệ thống cáp quang xuyên lục địa qua các đại dương. Tại Việt Nam, chuyện này không mới, nhưng tương lai dịch vụ này sẽ ra sao?

Tại hội thảo “Những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh” do Bộ TT-TT phối hợp với Liên minh Vệ tinh toàn cầu (GSC) tổ chức, các báo cáo cho biết, trong tương lai gần, internet vệ tinh có thể phổ biến và soán ngôi hệ thống cáp quang mặt đất cũng như xuyên đại dương hiện nay. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của chùm vệ tinh địa tĩnh băng tần Ka và chùm vệ tinh phi địa tĩnh. Chúng được ứng dụng phổ biến trong việc cung cấp internet băng rộng toàn cầu. Đó là các hệ thống GX của Inmarsat, Epic của Intelsat, Viasat 3 của Viasat, Starlink của SpaceX, chùm vệ tinh của Oneweb, SES, Boeing.

Ở quy mô lớn hơn, SpaceX đã công bố kế hoạch triển khai chùm 12.000 vệ tinh nhằm phủ sóng internet toàn cầu. Các hệ thống này được xây dựng với mục đích cung cấp dịch vụ viễn thông giá rẻ cho hàng tỷ người dân ở các khu vực chưa có cơ hội tiếp cận internet băng rộng… Các dự báo cho thấy, trong 6 năm tới, nhu cầu sử dụng dữ liệu mobile tăng tới 5 lần. Viện Nghiên cứu quốc phòng Mỹ (IDA), dự báo trong vòng 10 năm tới, các tiến bộ trong công nghệ vệ tinh hiện nay sẽ được thương mại hóa.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải cho rằng, với lợi thế vùng phủ toàn cầu, nếu thành công, các hệ thống vệ tinh này sẽ làm thay đổi môi trường cạnh tranh, thậm chí có thể làm thay đổi trật tự truyền thống trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, bài học cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đầu năm 2000 cho thấy, trong kỷ nguyên của thoại, các chùm vệ tinh như Global Star, Iradium được kỳ vọng cung cấp dịch vụ di động toàn cầu đã không thành công như trông đợi. Do vậy, hệ thống chùm vệ tinh với những công nghệ mới có thể thành công trong kỷ nguyên internet, cung cấp dịch vụ internet toàn cầu với giá thành rẻ, cạnh tranh hay không, là những vấn đề mà Bộ TT-TT cùng các đơn vị chức năng đang muốn tìm ra câu trả lời. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các hệ thống này cũng đặt ra các câu hỏi cho công tác quản lý. Đó là việc cấp phép, cung cấp dịch vụ tại mỗi quốc gia, vấn đề sử dụng tài nguyên tần số, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng như thế nào cũng cần được đặt ra và xem xét.

Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 5 vệ tinh hoạt động là VINASAT-1, VINASAT-2, VNREDSat-1, F-1 và PicoDragon. Trong số này, VINASAT-1 và VINASAT-2 là các vệ tinh truyền thông thông tin, trong khi các vệ tinh khác có nhiệm vụ khảo sát mặt đất và khoa học. Đầu năm 2019, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh thứ 6 là MicroDragon. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2022, Việt Nam sẽ phóng thêm 3 vệ tinh nữa là NanoDragon, LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Trong đó, LOTUSat-1 và LOTUSat-2 là các vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam với sự hợp tác của các chuyên gia tới từ Nhật Bản. Các chùm vệ tinh là một cơ hội lớn nhưng cũng mang nhiều thách thức cho Việt Nam.

TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/internet-ve-tinh-se-soan-ngoi-he-thong-cap-quang-621153.html