Interpol trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy

Trong bối cảnh tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, Interpol (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) đã nổi lên như một tổ chức hàng đầu trong việc điều phối các chiến dịch quốc tế chống lại các hoạt động phi pháp, đặc biệt là nạn buôn bán ma túy. Những chiến dịch thành công gần đây của Interpol không chỉ làm suy yếu các tổ chức tội phạm mà còn thể hiện rõ ràng hiệu quả của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Sự lan rộng của tội phạm ma túy

Tội phạm ma túy đã phát triển thành các tổ chức lớn và tinh vi qua nhiều thập kỷ, với sự biến đổi từ những nhóm nhỏ lẻ sang các mạng lưới quốc tế có cấu trúc chặt chẽ và liên kết phức tạp. Các tổ chức này không chỉ hoạt động tại một quốc gia mà lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới, tận dụng cơ hội trong cả những quốc gia phát triển lẫn đang phát triển.

Tổng Giám đốc Interpol khẳng định, tổ chức này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình lớn.

Tổng Giám đốc Interpol khẳng định, tổ chức này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình lớn.

Các tổ chức ma túy không còn hoạt động trên địa bàn nhất định như trước mà sẵn sàng liên kết với nhau để mở rộng hoạt động. Các cartel Mexico, băng nhóm châu Âu, và mafia Nga thường hợp tác với nhau để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Việc hình thành các liên minh này cho phép chúng dễ dàng tiếp cận nguồn cung ma túy và thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Bản thân các tổ chức tội phạm lớn, như mô hình các cartel ở Mexico (tiêu biểu là các băng nhóm Sinaloa và Jalisco New Generation), đã phát triển theo cấu trúc tập đoàn với sự phân quyền rõ rệt.

Chúng được tổ chức như các doanh nghiệp, với những bộ phận chuyên trách trong sản xuất, vận chuyển, phân phối và rửa tiền. Điều này giúp chúng hoạt động linh hoạt và bền vững hơn. Công nghệ cũng giúp các tổ chức ma túy mở rộng hoạt động. Thông qua công nghệ mã hóa, “web đen”, tiền điện tử, trao đổi thông tin và giao dịch khó bị phát hiện hơn. Điều này khiến việc truy bắt và điều tra của các cơ quan chức năng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Một đặc điểm của các tổ chức tội phạm lớn là chúng thường xâm nhập và thao túng các hệ thống chính trị, kinh tế của nhiều quốc gia. Tại nhiều nơi, các tổ chức này hối lộ hoặc đe dọa các quan chức chính phủ, cảnh sát để bảo đảm an toàn cho các hoạt động của mình. Chúng cũng đầu tư vào các ngành kinh doanh hợp pháp để rửa tiền và tạo ra ảnh hưởng trong nền kinh tế. Chính vì thế các chính quyền sở tại gặp khó trong việc đối đầu trực tiếp với giới tội phạm. Còn các tổ chức tội phạm này thì ngày càng lan rộng ảnh hưởng, trở thành hiểm họa với toàn thế giới.

Theo Báo cáo Ma túy toàn cầu của Liên hợp quốc (UNODC) năm 2023, khoảng 275 triệu người trên toàn thế giới đã sử dụng các loại ma túy ít nhất một lần trong năm, và buôn bán ma túy tiếp tục là nguồn thu nhập chính cho nhiều tổ chức tội phạm. Các chuyên gia chỉ ra rằng không quốc gia nào có thể tự mình đối phó hiệu quả với vấn nạn này. Tiến sĩ Louise Shelley, Giám đốc Sáng kiến Tội phạm xuyên quốc gia tại Đại học George Mason, nhận định: “Thành công trong cuộc chiến chống ma túy phụ thuộc vào việc xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ, từ chia sẻ thông tin đến phối hợp hành động”.

Những chiến dịch lớn

Một trong những chiến dịch tiêu biểu của Interpol trong những năm gần đây là Chiến dịch Lionfish. Được triển khai từ năm 2013, Lionfish là một loạt các hoạt động chống ma túy xuyên quốc gia, tập trung vào việc ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy từ Mỹ Latinh đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và châu Á. Trong lần triển khai vào năm 2022, chiến dịch đã thu giữ hơn 22 tấn ma túy bao gồm cocaine, cần sa, và heroin. Các quốc gia tham gia bao gồm hơn 35 nước, trong đó có Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, và Singapore.

Interpol báo cáo rằng chỉ trong một chiến dịch kéo dài một tuần, đã có hơn 1.000 nghi phạm bị bắt giữ, với nhiều tổ chức tội phạm lớn bị xóa sổ. Tổng kết đến tháng 6/2024, Lionfish đã thu giữ 615 tấn ma túy và 505 tấn hóa chất tiền chế. Những kết quả này chứng minh rằng việc chia sẻ thông tin tình báo kịp thời giữa các quốc gia và sự phối hợp tác chiến đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Interpol đang thể hiện vai trò phối hợp mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Interpol đang thể hiện vai trò phối hợp mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Chiến dịch Trigger VI là một nỗ lực quốc tế khác nhằm chống lại tội phạm ma túy và các hoạt động tội phạm khác liên quan đến vũ khí. Chiến dịch này diễn ra vào năm 2023 dưới sự điều phối của Interpol đã có hơn 50 quốc gia ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh tham gia, kết quả là thu giữ hơn 350 tấn ma túy, 2.000 vũ khí trái phép, bắt giữ gần 7.000 nghi phạm. Số liệu từ chiến dịch cho thấy vai trò của Interpol không chỉ là điều phối mà còn là cung cấp cơ sở dữ liệu toàn cầu và các ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp các quốc gia theo dõi và xác định những cá nhân liên quan. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc sử dụng công nghệ hiện đại để đối phó với tội phạm ma túy, cho thấy sức mạnh của hợp tác quốc tế thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

Trong hai tháng 4 - 5/2024, Interpol đã phối hợp với hơn 40 quốc gia trong chiến dịch Icarus, một nỗ lực đặc biệt nhằm chống lại hoạt động buôn bán fentanyl (một loại thuốc giảm đau mạnh đang gây ra làn sóng tử vong do dùng quá liều trên toàn thế giới). Chỉ trong vòng hai tháng, chiến dịch Icarus đã thu giữ hơn 500kg fentanyl, ngăn chặn hàng triệu liều thuốc nguy hiểm có thể đã tràn vào các thị trường tiêu thụ.

Báo cáo từ Interpol vào tháng 8/2024 nhấn mạnh rằng, chiến dịch này thành công nhờ vào việc chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp hành động giữa các quốc gia như Mỹ, Mexico, Canada và Trung Quốc, vốn là những điểm nóng trong chuỗi cung ứng fentanyl. Chuyên gia phân tích về tội phạm ma túy David Bewley-Taylor từ Đại học Swansea, nhận xét: “Chiến dịch Icarus không chỉ là một minh chứng cho khả năng hợp tác quốc tế mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc đối phó với nguồn cung từ gốc, đặc biệt là ở các quốc gia sản xuất nguyên liệu”.

Đánh giá về sự phức tạp của chiến dịch này, Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock cho biết: “Giá trị ma túy bị thu giữ trong chiến dịch kéo dài hai tháng còn cao hơn GDP của một số quốc gia, điều này cho thấy rõ quy mô của vấn đề mà lực lượng thực thi pháp luật đang phải đối mặt”.

Chiến dịch LIONFISH tiêu biểu cho sự hợp tác toàn cầu do Interpol điều phối.

Chiến dịch LIONFISH tiêu biểu cho sự hợp tác toàn cầu do Interpol điều phối.

Khẳng định giá trị hợp tác

Sự thành công của các chiến dịch này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng chuyên gia và các nhà phân tích về phòng chống tội phạm toàn cầu. Tiến sĩ Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về tội phạm ma túy tại Viện Brookings, nhấn mạnh: “Interpol đã chứng tỏ rằng, không một quốc gia nào có thể thành công một mình trong việc chống lại tội phạm ma túy. Việc xây dựng các cơ chế hợp tác liên quốc gia không chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn mà còn giúp duy trì sự ổn định và an ninh lâu dài cho khu vực”.

Cũng theo Tiến sĩ Felbab-Brown, việc các tổ chức tội phạm quốc tế ngày càng tinh vi trong cách thức hoạt động đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận của các quốc gia. Không chỉ dừng lại ở việc triệt phá các đường dây, các quốc gia còn phải tập trung vào việc ngăn chặn nguồn cung, cải thiện khả năng thu thập tình báo và phối hợp ở quy mô lớn hơn.

Thống kê của Interpol và UNODC, năm 2023 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong việc bắt giữ và thu giữ các loại ma túy trên toàn cầu. Hơn 700 tấn cocaine đã bị thu giữ trên toàn thế giới, tăng 15% so với năm trước. Các chiến dịch quốc tế đã giúp bắt giữ hơn 25.000 nghi phạm liên quan đến tội phạm ma túy. Lượng ma túy tổng hợp như methamphetamine bị thu giữ tăng 20%, đặc biệt tại các khu vực như Đông Á và Bắc Mỹ. Còn số người chết do fentanyl tại Mỹ giảm 10% sau các chiến dịch triệt phá nguồn cung quốc tế, đặc biệt là từ Mexico và Trung Quốc. Những con số này cho thấy tác động to lớn của các chiến dịch quốc tế, đồng thời khẳng định rằng chỉ có thông qua sự phối hợp và chia sẻ thông tin mới có thể đạt được những thành tựu như vậy.

Những chiến dịch chống ma túy quốc tế gần đây của Interpol đã khẳng định hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống lại tội phạm ma túy toàn cầu. Không chỉ mang lại kết quả tích cực trong ngắn hạn, việc này còn giúp các quốc gia xây dựng một hệ thống an ninh mạnh mẽ, bền vững để đối phó với những thách thức trong tương lai.

Tiến sĩ Jürgen Stock khẳng định: “Tội phạm ma túy không còn là vấn đề của một quốc gia hay khu vực, mà đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Chúng tôi đang mở rộng các chiến dịch phối hợp với lực lượng cảnh sát trên khắp thế giới để đảm bảo rằng không có tổ chức tội phạm nào có thể trốn tránh trước pháp luật”.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/interpol-trong-cuoc-chien-chong-toi-pham-ma-tuy-i747086/