IOM hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực giáo dục nghề nghiệp
Ngày 25-8, tại Hà Nội, Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo 'Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư'.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp”. Dự án, do IOM phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện, tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu trước mắt về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại, đồng thời phát huy tiềm năng của các nền tảng đào tạo trực tuyến đối với các đối tượng liên quan, từ giảng viên đến sinh viên, người lao động và các nhà hoạch định chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Dự án tập trung hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các khu công nghiệp ở 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Đồng Nai và Bình Dương.
Dự án được triển khai từ năm 2021 và đã bước đầu hỗ trợ giải quyết các nhu cầu kỹ năng trước mắt của học sinh, sinh viên và lực lượng lao động hiện tại. Sau hơn hai năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng. Nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn đã thu hút hơn 15.100 người dùng kể từ khi ra mắt; gần 3.000 học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được truyền thông, hướng dẫn học tập trên nền tảng congdanso.edu.vn; 31.100 lượt hoàn thành các khóa học và gần 26.000 chứng chỉ đã được cấp cho các khóa học về kỹ năng số.
Những kết quả đó đã khẳng định tiềm năng của nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn trong việc cao năng lực và kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhằm trang bị cho người học kỹ năng số để tiếp cận kiến thức, thông tin, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, tiến tới xây dựng xã hội số, kinh tế số. Bên cạnh đó, Tài liệu tham khảo Hướng dẫn chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đã được biên soạn công phu, khoa học để cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về chuyển đổi số, là cơ sở để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới.
"Đầu tư phát triển kỹ năng ở Việt Nam rất quan trọng. Điều đó tăng khả năng tìm việc làm và tăng năng suất lao động, góp phần giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế thế giới. Đó là lý do tại sao IOM tự hào về dự án phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nền tảng đào tạo trực tuyến của chúng tôi. Nền tảng giúp cho những người lao động có tay nghề thấp và lao động di cư cải thiện các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng số. Điều này giúp họ xác định hướng đi tốt hơn và tăng khả năng thích ứng của họ trong môi trường kỹ thuật số, hướng tới phát triển bền vững. Nền tảng đào tạo trực tuyến chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sự hợp tác của IOM với các cơ quan Chính phủ và khối tư nhân để tìm ra các giải pháp mới và sáng tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tới năm 2030 tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, đến năm 2045 trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN”, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung nhấn mạnh.
Tin, ảnh: HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.