iPhone 3GS được Steve Jobs giới thiệu tại sự kiện năm 2009. Đây cũng là model đầu tiên Apple sử dụng lại thiết kế và thêm S vào tên sản phẩm. iPhone 11 Pro Max ra đời sau 3GS đúng 10 năm với rất nhiều thay đổi.
iPhone 3GS cho cảm giác cầm gọn gàng đến ngỡ ngàng. Có thể do tôi đã sử dụng những chiếc điện thoại màn hình trên 5 inch quá lâu. Khi cầm lại 3GS, thiết kế mặt lưng vát cong và kích thước nhỏ gọn của nó giúp tôi có thể sử dụng thoải mái chỉ với một tay. Đây là điều rất hiếm thấy trên các smartphone ngày nay.
Trong khi có, iPhone 11 Pro Max lại khiến tay tôi quá tải. Với một tay, tôi chỉ có thể chạm được 1/2 diện tích màn hình. Thanh điều khiển tăng giảm độ sáng, WiFi, đèn flash... lại nằm ở góc trên bên trái. Nếu muốn tinh chỉnh tôi phải dùng đến tay còn lại. Tóm lại, tôi thích và nhớ cảm giác sử dụng iPhone 3GS hơn.
Bù lại, iPhone 11 Pro Max có màn hình lớn, đẹp, hiển thị nhiều nội dung hơn. Tôi cũng không còn vuốt, chạm nhầm các icon, bàn phím bé tí như trên iPhone 3GS nữa. Về công nghệ màn hình, iPhone 11 Pro Max là bước tiến rất xa của Apple trong 10 năm. iPhone 3GS trang bị màn hình TFT, 3,5 inch, 165 ppi, độ phân giải 320 x 480. Trong khi đó, iPhone 11 Pro Max có màn hình OLED 6,5 inch, 456 ppi, độ phân giải 1.242 x 2.688 pixel.
Ngày nay, nhiều người dùng than phiền phần tai thỏ quá to, thô, xấu của iPhone 11. 10 năm trước, viền trên của iPhone 3GS là một mảng đen, không camera hay Face ID và dày đến 2 cm.
Mặt lưng của iPhone 3GS được làm từ nhựa bóng. Chất liệu này "lên hình" rất long lanh. Thực tế, dù giữ gìn rất kỹ nhưng chỉ sau vài tháng, máy của tôi đã chằng chịt vết xước. Trong khi đó, mặt lưng của iPhone 11 Pro Max được giới thiệu là ít xước hơn. Đồng thời, kính mờ cũng giúp máy ít bám vân tay.
Sau 10 năm, từ camera đơn độ phân giải 3,2 MP, Apple đã ra mắt những smartphone có tới 3 camera với nhiều tiêu cự. Thiết kế cụm camera trên iPhone 11 Pro Max thô, lồi và gây chú ý nhiều hơn iPhone 3GS.
Icon trên iOS 6.1.3 của iPhone 3GS được làm dạng 3D Crystal. Nó bóng bẩy, nổi khối và đậm chất Apple hơn. Ngày nay, với iOS 13 trên iPhone 11 Pro Max, thiết kế icon đã được làm phẳng, màu sắc rực rỡ hơn. Nhưng nó khiến người dùng khó phân biệt với các hãng điện thoại Android.
Từ lúc iPhone X xuất hiện, phím home trên smartphone Apple đã dần bị lãng quên. Khi sử dụng iPhone 3GS, tôi từng nhớ mình phải đắn đo ra sao khi nhấn nút này bởi nó rất dễ hỏng. Muốn mở đa nhiệm, tôi phải ấn nhanh 2 lần nút home. Tiếng "cụp, cụp" khiến tôi rất xót. Thế nhưng, trên iPhone 11 Pro Max lại khác. Các thao tác đa nhiệm đều được điều khiển bằng vuốt và chạm. Sau 10 năm, thói quen sử dụng smartphone Apple đã thay đổi từ một phím bấm sang không có phím nào.
Chiếc iPhone 3GS tôi có là bản 16 GB. Bản cao nhất của model này là 32 GB. Thật khó để tưởng tượng một smartphone 32 GB ra mắt năm 2019, khách hàng nào sẽ mua? Ngày nay, iPhone 11 Pro Max có tùy chọn bộ nhớ đến 512 GB, gấp 16 lần 10 năm trước.
Giao diện camera của iPhone 3GS đơn giản thuần khiết. Máy chỉ có hai tính năng là chụp ảnh và quay phim. Tùy chọn duy nhất là lưới bố cục. Chưa nói đến màu ảnh, trải nghiệm chụp bấm cũng gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Âm thanh lúc bấm chụp, hiệu ứng khẩu độ khép lại và tốc độ phản hồi khá nhanh là những đặc trưng của iPhone cách đây 10 năm.
iPhone 11 Pro Max lại phức tạp hơn rất nhiều. Năm nay, máy bổ sung thêm nhiều tính năng như zoom 10X, góc rộng, chụp tối, slofie... Sau 10 năm, tôi cảm nhận nhiếp ảnh trên điện thoại đã được đầu tư nghiêm túc hơn rất nhiều. Trước đây, nhiếp ảnh di động chỉ dùng như một tính năng đi kèm. Giờ đây, nó là ưu thế cạnh tranh của các hãng và nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Ảnh chụp từ iPhone 11 Pro Max (phải) cho chi tiết, màu sắc, khử nhiễu hạt tốt hơn iPhone 3GS rất đáng kể.
Tuy vậy, với ảnh ngược sáng, camera iPhone 3GS (trái) vẫn có chất màu cổ điển đẹp mắt.
Dù có kích thước lớn hơn nhưng các linh kiện trên iPhone 11 Pro Max đều được cắt giảm diện tích. Từ loại bỏ cổng audio 3,5 mm đến thay đổi chân sạc Lightning... Apple làm tất cả để có nhiều không gian trên máy để nâng dung lượng pin, trang bị công nghệ...
Tóm lại, sau 10 năm, dù thay đổi thiết kế, phần cứng, cách sử dụng... nhưng smartphone Apple cũng chỉ dùng để giải quyết nhu cầu chính của người dùng là kết nối Internet trên thiết bị cầm tay. Có lẽ, đó là lý do mà tên gọi iPhone (Internet Phone) vẫn được giữ đến ngày nay.
Xuân Tiến