iPhone 14 cho thấy Apple chưa thể thoát ảnh hưởng của Trung Quốc
Kế hoạch chuyển dịch sản xuất của Apple sang Ấn Độ đang gặp một số khó khăn. Trong khi đó, nguồn cung iPhone vẫn dựa chủ yếu vào Trung Quốc.
Tháng trước, Apple lần đầu tiên công bố kế hoạch sản xuất iPhone thế hệ mới nhất tại Ấn Độ. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với một công ty đã phụ thuộc gần như toàn bộ vào mảng sản xuất tại Trung Quốc. Tuy vậy, kế hoạch của Apple dường như không diễn ra suôn sẻ.
Theo đó, những nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc đang tham gia vào các quá trình sản xuất iPhone, bao gồm thiết kế sản xuất, loa thoại và pin, theo 4 người trong cuộc cho biết. iPhone từ một sản phẩm được thiết kế ở California và sản xuất tại Trung Quốc đã trở thành sản phẩm sáng tạo của cả 2 quốc gia.
Phụ thuộc vào Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc có hoạt động tại Ấn Độ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch sản xuất iPhone tại quốc gia Nam Á này. Tại Chennai (Ấn Độ), Foxconn sẽ phụ trách hướng dẫn công nhân Ấn Độ lắp ráp thiết bị với sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp Trung Quốc khác, bao gồm Lingyi iTech.
Công ty BYD của Trung Quốc cũng đang thiết lập các hoạt động để chế tạo màn hình tại Ấn Độ, theo những người trong cuộc.
“Apple muốn đa dạng hóa, nhưng đó là một con đường khó khăn. Họ phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều”, Gene Munster, đối tác quản lý của Loup Ventures cho biết. Về phần mình, Apple từ chối bình luận về vấn đề chuyển dịch sản xuất.
Sự gián đoạn sản xuất do đại dịch Covid đã làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của Apple. Khi Trung Quốc đóng cửa vào năm 2020, Apple buộc phải thay đổi kế hoạch và từ bỏ hoạt động đưa đoàn kỹ sư đến Trung Quốc để thiết kế quy trình lắp ráp iPhone. Thay vào đó, Apple bắt đầu trao quyền và thuê thêm các kỹ sư Trung Quốc ở Thâm Quyến và Thượng Hải để dẫn dắt nhiệm vụ thiết kế.
Các đội sản xuất và thiết kế sản phẩm của Apple bắt đầu tổ chức những cuộc gọi video vào đêm khuya với các đối tác ở châu Á. Họ cho biết công ty đã khuyến khích nhân viên đến công tác tại Trung Quốc sau đại dịch bằng cách đưa ra mức lương 1.000 USD/ngày. Mặc dù vậy, nhiều nhân viên tỏ ra không hào hứng vì họ lo ngại việc cách ly.
Trong năm 2022, Apple đã tuyển thêm 50% công nhân tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ GlobalData. Ngoài ra, những người trong cuộc cho biết thêm nhiều người trong số này là công dân Trung Quốc trở về từ các khóa học bên phương Tây.
Hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc đóng góp ít giá trị vào việc sản xuất iPhone. Quốc gia này chủ yếu cung cấp những lao động lương thấp, chủ yếu làm công việc lắp ráp thiết bị được vận chuyển từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo một nghiên cứu của Yuqing Xing, Giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, hoạt động này chỉ chiếm khoảng 6 USD, tương đương 3,6% chi phí sản xuất của một chiếc iPhone.
Dần dần, Trung Quốc bắt đầu thay thế các nhà cung cấp của Apple từ khắp nơi trên thế giới. Họ bắt đầu nhận sản xuất loa, cắt kính, cung cấp pin và sản xuất mô-đun camera. Theo ông Xing, các nhà máy tại Trung Quốc hiện đóng góp hơn 25% giá trị của một chiếc iPhone.
Apple vẫn phát triển mạnh
Dan Wang, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết lợi nhuận đạt được đã minh chứng cho việc Trung Quốc đang mở rộng quyền làm chủ chuỗi cung ứng smartphone. Ngoài ra, ông Wang nhận định xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển mạnh.
Theo các nhà phân tích, hoạt động sản xuất ổn định tại Trung Quốc đã giúp Apple tăng thị phần điện thoại thông minh và bán được nhiều iPhone nhất từ trước đến nay. Năm nay, việc Apple ra mắt iPhone sớm hơn thông lệ hàng năm có thể thúc đẩy doanh thu trong quý hiện tại vì công ty có thêm một tuần bán hàng.
Ngoài ra, Apple dự kiến tăng giá của các mẫu iPhone 14 Pro thêm 100 USD, lên mức cao nhất tới 1.600 USD để bù đắp chi phí do giá thành linh kiện tăng cao.
Theo công ty tài chính Susquehanna International Group, trong khi các nhà sản xuất smartphone khác đang cắt giảm sản lượng do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, Apple vẫn kêu gọi các nhà cung cấp sản xuất nhiều điện thoại hơn so với cách đây một năm. Điều này cho thấy Apple vẫn “sống khỏe” bất chấp các yếu tố bất lợi của nền kinh tế.
“Có một khoảng cách chênh lệch lớn trong chi tiêu của người tiêu dùng khi nói đến ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Sản phẩm của Apple vẫn an toàn so với đối thủ”, Wayne Lam, nhà phân tích thị trường công nghệ của CCS Insight cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-chua-the-thoat-ly-khoi-trung-quoc-post1353084.html