iPhone có thể gặp 'cú sốc' trong năm 2020
Duma Quốc gia Nga vừa thông qua một luật gây nhiều tranh cãi khi bắt buộc tất cả các mẫu smartphone, máy tính hoặc thậm chí cả smartTV đều phải cài đặt phần mềm do Nga sản xuất. Luật này có hiệu lực từ tháng 7/2020 và giới phân tích dự đoán Apple sẽ là hãng chịu nhiều thiệt hại nhất vì luật mới này.
Luật mới vừa được Duma Quốc gia Nga thông qua nhằm mục đích thúc đẩy công nghệ nội địa, khi buộc các hãng sản xuất smartphone, máy tính và smartTV phải cài đặt thêm các phần mềm do Nga sản xuất mới được phép bán sản phẩm tại thị trường này. Nhưng không ít ý kiến lo ngại rằng luật này sẽ khiến các hãng sản xuất rút lui khỏi thị trường Nga.
Hiện vẫn chưa rõ Duma Quốc gia Nga yêu cầu các hãng sản xuất phải cài đặt những phần mềm và ứng dụng bắt buộc nào vào sản phẩm của mình, dù vậy, luật vẫn cho phép các hãng cài đặt sẵn các ứng dụng của riêng mình lên sản phẩm, thay vì bắt buộc phải thay thế hoàn toàn bằng các ứng dụng do Nga phát triển.
“Khi chúng ta mua những thiết bị điện tử, chúng thường được trang bị sẵn những ứng dụng độc lập, phần lớn trong số đó được phương Tây phát triển”, Oleg Nikolayev, người đề xuất đạo luật mới cho biết. “Thông thường khi nhiều người nhìn thấy ứng dụng này, họ sẽ nghĩ rằng không có lựa chọn nào khác để thay thế nên vẫn tiếp tục sử dụng. Do vậy, chúng tôi yêu cầu phải cài đặt thêm các ứng dụng do Nga phát triển để người dùng có thêm quyền lựa chọn”.
Đạo luật sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020, nghĩa là các hãng sản xuất smartphone, máy tính hay smartTV vẫn có hơn nửa năm để có thể cài đặt thêm vào sản phẩm của mình những ứng dụng do phía Nga yêu cầu để có thể tiếp tục bán sản phẩm tại thị trường này.
Tuy nhiên, Hiệp hội các công ty thương mại và nhà sản xuất thiết bị máy tính, điện tử gia dụng của Nga thì lại phản đối luật mới này. Hiệp hội này cho rằng việc cài đặt các phần mềm mà chính phủ Nga yêu cầu lên tất cả các thiết bị điện tử là điều không dễ dàng gì và các nhà sản xuất sẽ lựa chọn rút lui khỏi thị trường Nga, thay vì đáp ứng yêu cầu kể trên.
Theo các nhà phân tích thị trường thì Apple có thể là hãng chịu thiệt hại nhiều nhất trong các hãng công nghệ sau khi đạo luật này có hiệu lực. Bởi lẽ với các hãng smartphone khác sử dụng nền tảng Android mã nguồn mở có thể dễ dàng thay đổi và tích hợp thêm các ứng dụng khác để phù hợp với từng thị trường, thì iOS trên iPhone là một nền tảng đóng nên việc thay đổi và chỉnh sửa hệ điều hành này để phù hợp với riêng thị trường Nga là điều không dễ dàng. Dĩ nhiên, nếu không đáp ứng được yêu cầu của chính phủ, Apple sẽ đối mặt với nguy cơ bị cấm bán iPhone tại Nga.
Theo hãng nghiên cứu thị trường StatCounter, trong tháng 10/2019, Samsung đang là hãng dẫn đầu thị trường smartphone tại Nga khi chiếm 22,04% thị phần; xếp thứ 2 là Huawei với 15,99% thị phần và Apple ở vị trí thứ 3 với 15,83% thị phần. Chắc chắn rằng Apple sẽ không dễ dàng gì từ bỏ một thị trường rộng lớn như Nga.
Trước đó chính phủ Nga cũng đã yêu cầu các công ty phải chuyển sang lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ tại Nga và Apple là một trong những hãng công nghệ đã tuân thủ yêu cầu này.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên chính phủ các nước yêu cầu hãng sản xuất phải cài đặt sẵn các phần mềm trước khi xuất xưởng, mà mục đích nhằm giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Chẳng hạn EU đã từng yêu cầu Microsoft phải cho phép người dùng lựa chọn trình duyệt web được sử dụng trên Windows để chống thế độc quyền của trình duyệt web Internet Explorer.