Iran cảnh báo không đàm phán 'bất tận' về khôi phục thỏa thuận JCPOA
Ủy ban chung về JCPOA bắt đầu nhóm họp tại Vienna từ ngày 6/4 vừa qua để tiếp tục thảo luận về khả năng Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận này cũng như cách thức để đảm bảo thực hiện thỏa thuận.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran ngày 26/6 nhấn mạnh Tehran sẽ không đàm phán "bất tận" về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, đồng thời hối thúc Mỹ từ bỏ "di sản thất bại" của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong một thông điệp trên Twitter, ông Saeed Khatibzadeh nêu rõ Iran đã tích cực tham gia các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran - còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - mà Mỹ đã cố "phá hoại."
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran năm 2018, Tehran từ tháng 5/2019 đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận này.
Ủy ban chung về JCPOA bắt đầu nhóm họp tại Vienna từ ngày 6/4 vưa qua để tiếp tục thảo luận về khả năng Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận này cũng như cách thức để đảm bảo thực hiện thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hối thúc Iran phản hồi về việc gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân.
Ngày 25/6, IAEA cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi của Iran về việc gia hạn thỏa thuận tạm thời cho phép cơ quan này giám sát các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo vốn hết hiệu lực trước đó một ngày.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã gửi thư tới các nhà chức trách Iran đề cập vấn đề trên từ ngày 17/6. Tuy nhiên, Iran không hồi đáp và cũng không cho biết liệu nước này có kế hoạch gia hạn thỏa thuận hay không.
Ông Grossi nhấn mạnh "tầm quan trọng cốt yếu" của việc tiếp tục thu thập dữ liệu về các hoạt động hạt nhân của Iran, đồng thời hối thúc Tehran phản hồi "ngay lập tức" về vấn đề này.
Đầu tháng này, Tổng Giám đốc IAEA nhận định việc đàm phán gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân với Iran đang trở nên khó khăn hơn, làm suy yếu khả năng hợp tác giữa Tehran với tổ chức có trụ sở tại Vienna này.
Trước đó, ngày 24/5, IAEA và Tehran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran thêm 1 tháng, đến ngày 24/6, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này hết hiệu lực vào ngày 22/5.
Trong khuôn khổ JCPOA, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp.
Tuy nhiên, tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21/2/2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Mặc dù vậy, hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại hoạt động thanh sát của IAEA kể từ ngày 23/2.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi ngày 26/6 cho biết nhà máy điện hạt nhân Bushehr của nước này chuẩn bị nối lại hoạt động, sau khi bị gián đoạn tuần trước.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Salehi cho biết: "Nhà máy điện hạt nhân Bushehr tạm thời ngừng hoạt động là do các vấn đề kỹ thuật. Vấn đề này gần như đã được giải quyết và nhà máy điện sẽ hoạt động trở lại trong vòng 2 hoặc 3 ngày tới. Nhiên liệu hiện tại của nhà máy điện Bushehr sẽ hết trong 2 hoặc 3 tháng tới và chúng tôi sẽ nạp thêm nhiên liệu mới."
Ngày 20/6, AEOI thông báo đóng cửa "tạm thời" nhà máy điện hạt nhân Bushehr và ngắt kết nối nhà máy này với mạng lưới điện quốc gia Iran. Nhà máy điện Bushehr bắt đầu cung cấp điện cho Iran từ tháng 9/2011, với sự hợp tác của Nga./.