Tehran tuyên bố rằng họ sẽ lập tức tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào cả Armenia và Azerbaijan trong trường hợp bị hai quốc gia này pháo kích vào lãnh thổ của mình.
Chính quyền Iran không có ý định hỗ trợ bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, tuy nhiên, họ nói rất rõ bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ đều có thể phải nhận hậu quả nặng nề.
Những hành động như pháo kích vào lãnh thổ của Iran, hoặc vi phạm biên giới quốc gia sẽ đều bị coi là mối đe dọa quân sự mở đối với Tehran, dẫn đến một cuộc tấn công tên lửa cả vào vị trí của Armenia hay Azerbaijan.
“Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Hồi giáo Iran - ông Khatibzade đã lên án việc tiến hành một số cuộc tấn công tên lửa vào các khu vực biên giới của đất nước và nhấn mạnh rằng trong trường hợp sự việc này lặp lại, Iran sẽ không thờ ơ", IRNA đưa tin.
"Thật không may, trong vài ngày qua xuất hiện những tin tức đáng báo động về hành vi gây hấn ở biên giới, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông S. Khatibzade nói rõ.
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng bác bỏ một số tin đồn về các hành động trả đũa của lực lượng biên phòng Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhấn mạnh: "duy trì an ninh và hòa bình của công dân Iran sống ở khu vực biên giới là lằn ranh đỏ của lực lượng vũ trang chúng tôi".
"Tuy vậy nếu trong trường hợp các cuộc tấn công vẫn lặp lại, chắc chắn chính quyền và quân đội Iran sẽ không thể thờ ơ", ấn bản tiếng Armenia có tên Panorama trích dẫn phát biểu.
Trước đó, quân đội Iran (hoặc lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) theo thông báo từ các phương tiện truyền thông, đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công tên lửa vào quân đội Azerbaijan.
Hành động quân sự này diễn ra sau khi có cuộc oanh kích bằng tên lửa và pháo nhằm vào một trong các thành phố của Iran, cũng như cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở biên giới, khiến chiến dịch quy mô lớn của quân đội Azerbaijan bị gián đoạn.
Tuy nhiên bên cạnh đó, có thông tin cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Iran còn xuất phát cả từ Armenia, nguyên nhân là do quân đội Azerbaijan ở gần biên giới của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (NKR), dẫn đến tình trạng đạn lạc.
Được biết từ cách đây vài tuần, lực lượng vũ trang Iran đã cho triển khai hàng chục khẩu pháo cùng khoảng 200 xe tăng sát biên giới nhằm sẵn sàng phản ứng trước bất cứ tình huống nào.
Iran cũng đồng thời bác bỏ rằng họ nghiêng về phía Armenia trong cuộc xung đột này, khi Tehran từng lên tiếng yêu cầu Yerevan trả vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh cho Baku vì đây là "vùng đất lâu đời của Azerbaijan".
Ngoài ra Iran cũng đang giữ thái độ tương đối thận trọng với Azerbaijan, nhất là trong tình cảnh quốc gia này có rất nhiều vũ khí nguồn gốc Israel trong biên chế.
Tehran vẫn đặc biệt lo ngại rằng các phương tiện như máy bay không người lái Harop có thể được Israel lợi dụng nhằm do thám lãnh thổ của họ dưới chiêu bài "đi lạc".
Bạch Dương