Iran chỉ trích nghị quyết của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế
Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố phản đối nghị quyết của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua một ngày trước đó chỉ trích Tehran thiếu hợp tác.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng động thái trên của IAEA "là hành động chính trị và không xây dựng", theo đó sẽ làm suy yếu hợp tác giữa Iran và IAEA.
Trước đó, Iran tuyên bố nước này đã có những bước đi thực tế tương ứng cách tiếp cận không xây dựng của IAEA và việc thông qua nghị quyết này, như lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến và ngắt kết nối một số camera của IAEA giám sát các cơ sở hạt nhân của nước này.
Ngày 8/6, Hội đồng thống đốc IAEA gồm 35 thành viên đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ). Nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối nghị quyết này. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020 IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran.
Nghị quyết được thông qua sau khi IAEA ngày 30/5 công bố báo cáo cho biết Iran chưa giải đáp được những nghi vấn lâu nay về các vật liệu hạt nhân được tìm thấy tại 3 cơ sở không nằm trong danh sách đã được nước này báo cáo. Iran cho rằng báo cáo này của IAEA là "không công bằng".
Sau khi IAEA thông qua nghị quyết trên, Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran cùng ngày 8/6 khẳng định nước này đang tiếp tục tuân thủ thỏa thuận an toàn với IAEA. Hơn 80% số camera hiện có của IAEA đang hoạt động theo thỏa thuận và sẽ tiếp tục hoạt động như trước.
Trong khi đó, đăng tải trên tài khoản Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh những bên khởi xướng nghị quyết trên phải chịu trách nhiệm về hậu quả. Ông khẳng định phản ứng của Iran là kiên quyết và tương xứng.
Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc ký năm 2015, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 20218, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019.
Từ tháng 4/2021, các bên bắt đầu đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận thông qua việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận, tuy nhiên đàm phán đình trệ trong những tháng gần đây.