Vào năm 2015, Tehran cùng Mỹ và nhóm 5 cường quốc bao gồm Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức (nhóm P5+1) đã ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tức thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo điều khoản của thỏa thuận, Iran chỉ được phép làm giàu Uranium với hàm lượng không quá 3,67% và dự trữ tối đa 300 kg Uranium, mức độ đủ để sử dụng cho một số nhà máy điện hạt nhân.
Iran được cho là đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân một cách nghiêm chỉnh cho tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dưới sức ép của Israel đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận vào năm ngoái.
Lý do được Israel đưa ra đó là Iran vẫn âm thầm nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo, mục đích của họ khi duy trì thỏa thuận hạt nhân chỉ là bức bình phong mà thôi.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rời bỏ thỏa thuận hạt nhân thì căng thẳng giữa Washington và Tehran lại quay về mức cao của nhiều năm trước và đã có xung đột quân sự.
Ngoài ra Iran còn cảnh báo rằng nước này sẽ chính thức tái khởi động việc làm giàu Uranium vượt mức cho phép theo thỏa thuận ký kết với nhóm P 5+1.
Điều này đã thành sự thực khi người phát ngôn Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi xác nhận cấp độ làm giàu Uranium của nước này đã cao hơn mức 4,5% vào ngày 8/7, vượt xa mức quy định của JCPOA.
Diễn biến này khiến nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran trở nên gần hơn bao giờ hết, bởi từ lâu Washington đã cảnh báo đây là giới hạn đỏ cuối cùng và họ sẽ không bỏ qua.
Hiện tại Mỹ đã điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) ra ngoài tầm bắn của các loại tên lửa Iran, tuy nhiên ở cự ly này các loại tiêm kích hạm vẫn đảm bảo đủ khả năng đột kích vào lãnh thổ Iran.
Bên cạnh đó, máy bay trinh sát điện tử RC-135S Cobra Ball có vai trò chuyên theo dõi và phát hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo của đối phương đã có mặt trên bầu trời vịnh Ba Tư.
Cựu Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Jack Kean nhấn mạnh rằng nếu Iran quyết tâm theo đuổi kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân thì sẽ chẳng khác nào việc họ "tự ký vào bản án tử hình của chính mình".
Động thái mới nhất của Iran kết hợp với những căng thẳng lên cao như bắn hạ máy bay trinh sát không người lái Mỹ, tàu chở dầu bị phá hoại trên vịnh Oman hay Anh bắt tàu chở dầu của Iran... có nguy cơ làm bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào.
Washington cáo buộc Tehran "đang đùa với lửa" trong khi tướng Hajizadeh chỉ huy không quân Iran nhấn mạnh rằng, nước này không tìm cách phát động chiến tranh nhưng luôn chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ tổ quốc.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là chẳng có bất cứ một dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng nào giữa các bên, trong khi nguy cơ leo thang vẫn cứ tiếp diễn.
Nếu xảy ra chiến tranh, có thể đó là sẽ cuộc tấn công liên hợp do Mỹ và Israel đảm nhiệm vai trò chính, các đồng minh còn lại như Saudi Arabia, Qatar, UAE, Anh... sẽ giữ vai trò hỗ trợ. Theo đánh giá thì Iran sẽ khó lòng mà chống cự nổi.
Việt Dũng