Iran có thể đã sở hữu hệ thống phòng không HQ-9B của Trung Quốc?
Một thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đã chuyển giao hệ thống phòng không tầm xa HQ-9B cho Iran. Động thái được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân an ninh tại Trung Đông, đặc biệt sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel.

Iran được cho là muốn tăng cườngnăng lực phòng không bằng hệ thống phòng không HQ-9B do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: CGTN.
Thông tin về khả năng Iran bắt đầu nhận hệ thống phòng không từ Trung Quốc xuất hiện hai tuần sau lệnh ngừng bắn chấm dứt đợt đối đầu kéo dài 12 ngày giữa Tehran và Tel Aviv, theo tạp chí Military Watch của Mỹ.
Iran trước đây chưa từng sở hữu hệ thống phòng không hiện đại nào từ Trung Quốc. Nền tảng của lực lượng phòng không tầm xa nước này gồm S-300PMU-2 của Nga và Bavar-373 – tổ hợp do Iran tự phát triển.
Năng lực phòng không của Iran gây tranh cãi
Iran từng tuyên bố bắn hạ 4 tiêm kích tàng hình F-35 của Israel, trong đó 3 chiếc bị tổ hợp Bavar-373 bắn trúng. Dù giới chuyên gia phương Tây và Israel phủ nhận thông tin này, tạp chí Military Watch cho rằng các tuyên bố của Iran vẫn đáng lưu ý, xét đến mức độ triển khai dày đặc của các hệ thống phòng không và độ sâu khu vực hoạt động của máy bay F-35.
Mặc dù hệ thống S-300PMU-2 của Nga được biết đến rộng rãi hơn so với Bavar-373, song thiết kế của nó đã hơn 20 năm tuổi và không còn nằm trong nhóm công nghệ tiên tiến. Nhiều nguồn phương Tây từng khẳng định Israel đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống S-300 của Iran trong đợt không kích tháng 10/2024. Tuyên bố này bị nghi ngờ khi Iran vẫn công khai các tổ hợp này trong một cuộc duyệt binh 4 tháng sau đó.
Trong khi đó, do bị cuốn vào chiến sự ở Đông Âu và căng thẳng với NATO, khả năng Nga xuất khẩu các hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 hay S-500 sang Iran là rất khó, theo Military Watch.
Trung Quốc nổi lên như nhà cung cấp tiềm năng

Xe phóng tên lửa phòng không Bavar 373 do Iran sản xuất. Ảnh: Military Watch.
Khác với hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc tầm trung – vốn dễ sản xuất hơn và có thể được Iran tự phát triển, các hệ thống tầm xa như HQ-9B của Trung Quốc mang lại lợi thế đáng kể về khả năng tác chiến, đặc biệt khi đi kèm với các thiết bị hỗ trợ như radar, tác chiến điện tử và chỉ huy điều khiển.
HQ-9B hiện là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được sản xuất nhiều nhất ngoài các hệ thống phòng không của Nga. Hệ thống này có thiết kế nhấn mạnh tính cơ động, trong đó các xe phóng tên lửa, radar và trung tâm chỉ huy đều được đặt trên khung gầm xe tải để dễ triển khai và tăng khả năng sống sót trước đòn tập kích của đối phương.
Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, nhờ lợi thế vượt trội trong lĩnh vực điện tử và radar, HQ-9B có thể sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với các hệ thống phòng không của Nga. HQ-9B đã được Trung Quốc xuất khẩu sang nhiều nước như Pakistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Ai Cập và Morocco.
Ai Cập mua hệ thống phòng không HQ-9B vào năm 2024 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Israel và phương Tây liên quan đến nguy cơ bị ép tiếp nhận phần lớn người Palestine sống ở Dải Gaza.
Năng lực và giới hạn

Hệ thống HQ-9B phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Military Watch.
HQ-9B của Trung Quốc được xem là tương đươngi S-300PMU-2 của Nga, nhưng có xu hướng tiệm cận S-400 ở một số khía cạnh, đặc biệt là về năng lực tác chiến điện tử và radar.
Hệ thống có tầm bắn tối đa khoảng 250 km, cho phép bao phủ khu vực gần 200.000 km². Radar có khả năng quan sát 360 độ, cùng với cơ chế phóng lạnh giúp hệ thống tấn công từ mọi hướng. HQ-9B cũng có thể phóng nhiều loại đạn tên lửa phòng không với tầm bắn khác nhau, tạo thành lớp phòng thủ nhiều tầng. Trong các cuộc tập trận, hệ thống này được kiểm nghiệm khả năng chống lại tên lửa lẫn vũ khí tác chiến điện tử của đối phương.
Dù HQ-9B sở hữu nhiều công nghệ hiện đại, giới quan sát cho rằng khả năng hệ thống này bảo vệ không phận Iran vẫn bị giới hạn. Nguyên nhân là Tehran hiện thiếu các phương tiện hỗ trợ cần thiết như tiêm kích hiện đại hay máy bay cảnh báo sớm -các khí tài quan trọng để phát huy toàn bộ tiềm năng của hệ thống phòng không tầm xa.
Nếu thông tin Trung Quốc chuyển giao HQ-9B cho Iran được xác thực, đây sẽ là bước tiến lớn trong chiến lược phòng thủ của Tehran – đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, tạp chí Military Watch kết luận.