'Không thấy vấn đề gì' nếu nối lại đối thoại với Mỹ, Tổng thống Iran chịu sức ép trong nước
Ngày 8/7, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã vấp phải làn sóng chỉ trích trong nước, sau khi bày tỏ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, bất chấp những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ song phương sau loạt vụ không kích của Israel và Mỹ vào giữa tháng 6.

Tuyên bố muốn đối thoại với Mỹ, Tổng thống Iran chịu sức ép trong nước. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Iran)
Theo báo Middle East Monitor, trước đó, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, ông Pezeshkian nói rõ: “Chúng tôi không thấy có vấn đề gì khi tham gia lại các cuộc đàm phán. Nhưng làm sao chúng ta có thể tin tưởng Mỹ lần nữa?”.
Tổng thống Iran coi mối lo ngại về hành động quân sự của Israel là trở ngại chính đối với việc xây dựng lòng tin: “Chúng ta quay lại đàm phán, vậy làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng giữa các cuộc đàm phán, Israel sẽ không được Mỹ cho phép tấn công chúng ta một lần nữa?”.
Sau cuộc phỏng vấn, ông Pezeshkian nói trên X: “Tôi đã nói với ông Tucker Carlson: Trong khi chúng tôi đang đàm phán một cách thiện chí theo yêu cầu của Mỹ, Israel đã thả bom – theo nghĩa đen – vào ngoại giao. Israel đã phá hoại các cuộc đàm phán và giết chết hòa bình. Thế giới nên nhớ ai đã làm chệch hướng tiến trình này”.
Theo Daily Star, các ý kiến trong nước cho rằng lập trường về đàm phán của ông Pezeshkian quá “mềm mỏng”, đặc biệt khi Iran vừa hứng chịu những tổn thất nặng nề sau các cuộc tấn công khiến nhiều chỉ huy quân sự và nhà khoa học hạt nhân thiệt mạng.
Phản ứng trong nước diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi tiết lộ, Tehran và Washington từng tiến rất gần tới một “đột phá lịch sử” trước khi xung đột bùng phát.
Giới chức quốc tế vẫn đang tranh luận về mức độ thiệt hại thực sự đối với chương trình hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các cơ sở hạt nhân chủ chốt đã bị “xóa sổ” trong loạt không kích hồi tháng trước, trong khi Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) Nicolas Lerner nhận định, chương trình này đã bị "trì hoãn nghiêm trọng", song cảnh báo cần thận trọng với khả năng Iran tiếp tục bí mật theo đuổi chương trình hạt nhân.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Hungary đã chính thức mở lại Đại sứ quán tại Tehran, Iran sau 20 ngày tạm thời di dời đến Baku, Azerbaijan vì lý do an ninh.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hungary Levente Magyar, đây là động thái nhằm khôi phục đầy đủ hiện diện ngoại giao sau khi tình hình tại Iran có dấu hiệu ổn định trở lại. Hungary là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đưa nhân viên ngoại giao trở lại Iran kể từ sau xung đột giữa Tehran với Israel.
Giới quan sát nhận định, những tín hiệu trái chiều hiện nay, từ nỗ lực nối lại đàm phán của Tehran, phản ứng nội bộ, cho đến lập trường quốc tế, đã cho thấy tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn đối mặt với nhiều trở ngại phức tạp.