Iran có thể tấn công Israel theo kịch bản nào và lực lượng nào sẽ tham chiến?

Vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh ở Tehran và vụ ám sát lãnh đạo Hezbollah là Fuad Shukr ở Beirut, đã gây chấn động khắp Trung Đông. Nó khiến người ta cảm thấy rằng Iran cùng các đồng minh sẽ tấn công Israel bất cứ lúc nào, châm ngòi cho chiến tranh toàn diện trong khu vực.

Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi cả Haniyeh và Shukr đều bị giết, nhưng vẫn chưa có cuộc tấn công lớn nào nhằm vào Israel được thực hiện, trong khi các nhà ngoại giao đang ráo riết di chuyển khắp khu vực để nỗ lực ngăn chặn mọi sự leo thang.

 Người Iran biểu tình sau sự kiện thủ lĩnh Hamas, Haniyeh bị ám sát ở Tehran và kêu gọi trả đũa Israel. Ảnh: Politico

Người Iran biểu tình sau sự kiện thủ lĩnh Hamas, Haniyeh bị ám sát ở Tehran và kêu gọi trả đũa Israel. Ảnh: Politico

Iran khẳng định họ sẽ đáp trả, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Nasser Kanaani phát biểu rằng sự ổn định trong khu vực chỉ có thể đến từ việc "trừng phạt kẻ xâm lược".

Câu hỏi hiện nay là: Phản ứng này sẽ diễn ra như thế nào? Liệu đó có phải là một nỗ lực được tính toán cẩn thận để tránh một cuộc chiến tranh khu vực - giống như cuộc tấn công Israel của Iran vào tháng 4? Hay các nhà lãnh đạo Iran sẽ tin rằng các cuộc tấn công mới nhất đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ hơn, ngay cả khi nó có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn

Iran sẽ quyết định lý trí hơn?

Phản ứng sắp tới của Iran sắp xảy ra, các nhà phân tích cho biết, nhưng có thể sẽ được cân nhắc. Dù vụ ám sát Haniyeh trên đất Iran, ngay tại thủ đô của nước này, là một sự xúc phạm lớn đối với chính phủ Iran, thì nhiều chuyên gia cho biết điều đó không thay đổi mong muốn của Iran là tránh một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn với Israel và đồng minh lớn nhất của nước này là Mỹ.

“Tôi không tin rằng sự leo thang đang ở trong tâm trí của những người ra quyết định của Iran”, Reza Akbari, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Theo dõi Chiến tranh và Hòa bình (IWPR), nói với Al Jazeera. “Tuy nhiên, tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Iran không thống nhất”.

Chính trường Iran từ lâu đã bị chia rẽ giữa những người theo đường lối cứng rắn và những người theo chủ nghĩa cải cách. Tổng thống mới của nước này, Masoud Pezeshkian, được mô tả rộng rãi là một người theo chủ nghĩa trung dung hoặc một người theo chủ nghĩa cải cách, chỉ mới nhậm chức được vài tuần.

 Một ủng hộ Iran cầm một quả tên lửa giả trong cuộc biểu tình lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Times of Israel

Một ủng hộ Iran cầm một quả tên lửa giả trong cuộc biểu tình lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Times of Israel

“Trò chơi mà người Iran đang cố gắng tìm ra là làm thế nào để trả đũa và gửi tín hiệu rằng các hành động hung hăng không thể diễn ra như ám sát trên đất Iran mà không gây ra một chu kỳ leo thang”, Akbari nói.

Trong khi giới lãnh đạo cấp cao của Iran đã hứa sẽ “trả thù tàn khốc ”, thì việc họ tiếp tục tham gia ngoại giao với các bên trung gian đã trấn an một số nhà phân tích rằng vẫn còn ít mong muốn cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tehran gần đây đã tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Jordan, quốc gia có mối quan hệ khá “đa chiều” với Israel và cũng là đồng minh của Mỹ.

Ori Goldberg, một nhà phân tích chính trị tại Tel Aviv, nói với Al Jazeera rằng: "Tôi có cảm giác Iran đang nói chuyện với mọi người ở Trung Đông trừ Israel và nói chuyện với khá nhiều quốc gia bên ngoài khu vực. Chúng ta càng có nhiều bằng chứng về sự phối hợp và Iran càng mất nhiều thời gian thì phản ứng của Iran càng có khả năng được kiểm soát và kiềm chế".

Ông nói thêm rằng Iran đang có cơ hội thể hiện mình là một đối tác lý trí với thế giới, đặc biệt là vào thời điểm Netanyahu đang làm xói mòn mối quan hệ với các đối tác truyền thống.

Không loại trừ khả năng nào

Theo nhà tích chính trị Ori Goldberg, Thủ tướng Netanyahu có thể là nhân tố khiến “lò thuốc súng” Trung Đông phát hỏa. Ông cho biết, đối với Netanyahu việc chấm dứt chiến sự có thể sẽ chấm dứt sự nghiệp của ông vì nó có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm.

 Do chiến sự nổ ra với Hamas mà Thủ tướng Israel, Netanyahu đã tạm gạt bỏ được nhiều nỗi lo trên chính trường, đặc biệt là những cuộc biểu tình chống lại kế hoạch đại tu tư pháp của ông. Ảnh: The Economist

Do chiến sự nổ ra với Hamas mà Thủ tướng Israel, Netanyahu đã tạm gạt bỏ được nhiều nỗi lo trên chính trường, đặc biệt là những cuộc biểu tình chống lại kế hoạch đại tu tư pháp của ông. Ảnh: The Economist

Cuộc đại tu tư pháp do ông Netanyahu khởi xướng hồi mùa Hè năm ngoái đã dẫn tới những cuộc biểu tình làm rung chuyển Israel, khi công chúng nước này đòi ông từ chức. Vì thế, Thủ tướng Netanyahu đang nhìn thấy cơ hội của mình trong mối đe dọa từ Iran.

Goldberg cho biết: “Có một quan điểm đang nhận được sự đồng thuận chung ở chính trường Israel là Netanyhau muốn có một cuộc chiến với Iran và ông ấy đã và đang làm việc vì điều đó”.

Nhà phân tích này nói thêm: “Liệu công chúng Israel có muốn điều này không? Không. Người dân Israel đã quá mệt mỏi, nhưng không giống như có bất kỳ tầm nhìn hay kế hoạch thay thế nào khác được phe đối lập đề xuất”.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu phản ứng của Iran có bao gồm sự phối hợp với các đồng minh trong "trục kháng chiến" của nước này, đặc biệt là Hezbollah và Houthis của Yemen, hay mỗi nhóm sẽ tự hành động?

Imad Salamey, nhà khoa học chính trị tại Đại học Mỹ-Lebanon cho biết Hezbollah và Iran có thể sẽ liên lạc chặt chẽ về phản ứng của họ, mặc dù bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ mang tính chiến lược và cố gắng tránh đổ thêm dầu vào lửa.

Ông cho biết: “Trong khi Hezbollah dự kiến sẽ phối hợp với Iran, chiến lược bao trùm có thể sẽ tập trung vào một cuộc xung đột kéo dài, được kiểm soát, phục vụ nhiều lợi ích chiến lược cho Iran mà không leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực”.

 Một tấm pano có hình ảnh các nhà lãnh đạo bị ám sát Ismail Haniyeh của nhóm Hamas của Palestine, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran Qassem Soleimani, ở giữa, và chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr gần Sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri, Lebanon. Ảnh: Al Jazeera

Một tấm pano có hình ảnh các nhà lãnh đạo bị ám sát Ismail Haniyeh của nhóm Hamas của Palestine, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran Qassem Soleimani, ở giữa, và chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr gần Sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri, Lebanon. Ảnh: Al Jazeera

Hiện tại, nếu Iran đạt được sự cân bằng đúng đắn trong phản ứng của họ, một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực sẽ được tránh. Thay vào đó, một sự âm ỉ căng thẳng sẽ tiếp tục với việc Iran giao chiến với Israel chủ yếu thông qua các đồng minh khu vực của mình trong "trục kháng chiến". Và sự phối hợp này nhằm mục đích thể hiện một mặt trận rộng khắp chống lại Israel.

Những lực lượng nào có thể tham chiến cùng Iran

Trong trường hợp các kịch bản nêu trên diễn ra như dự đoán, sẽ có những lực lượng đồng minh nào tham chiến cùng Tehran. Dưới đây là một vài cái tên tiềm năng nhất:

Dân quân Iraq

Tại Iraq, Iran đã hỗ trợ một loạt lực lượng được huy động vào năm 2014 để chiến đấu với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Những lực lượng dân quân được nhà nước công nhận, chủ yếu là người Shiite, được gọi là Lực lượng Động viên Bình dân (PMF), đã phát triển thành một phe phái chính trị hùng mạnh, được trang bị tên lửa, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính lực lượng của họ vào khoảng 180.000 chiến binh.

Hezbollah của Lebanon

Hezbollah được thành lập vào năm 1982 trong bối cảnh Israel chiếm đóng miền nam Lebanon. Israel vẫn rất cảnh giác với Hezbollah, đặc biệt là về kho vũ khí tên lửa khổng lồ mà họ được cho là sở hữu và lực lượng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của họ cũng ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad ở Syria.

 Hezbollah có khoảng 100.000 chiến binh cùng hàng chục nghìn tên lửa, rocket các loại, đủ sức bắn phá Israel với cường độ vượt quá năng lực đánh chặn của hệ thống "Vòm sắt". Ảnh: Bloomberg

Hezbollah có khoảng 100.000 chiến binh cùng hàng chục nghìn tên lửa, rocket các loại, đủ sức bắn phá Israel với cường độ vượt quá năng lực đánh chặn của hệ thống "Vòm sắt". Ảnh: Bloomberg

Trong khi Israel có hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi bao gồm hệ thống Iron Dome, một loạt hỏa lực từ Hezbollah và những lực lượng khác cùng lúc có thể áp đảo đất nước này. Các ước tính cho thấy Hezbollah có kho vũ khí gồm 150.000 tên lửa và rocket, bao gồm cả tên lửa dẫn đường chính xác. Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah năm 2021 cho biết nhóm này có 100.000 chiến binh.

Lực lượng dân quân Palestine

Mặc dù là người Sunni, cả hai nhóm chiến binh Palestine: Hamas và Jihad Hồi giáo đều nhận được vũ khí và các trang bị khác từ Iran. Tuy nhiên, các nhóm này đã bị Israel tấn công dữ dội. Trong cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Dải Gaza, quân đội nước này cho biết họ đã giết chết khoảng 15.000 chiến binh Palestine.

Lực lượng Houthi của Yemen

Houthi đã chiếm giữ thủ đô Sanaa của Yemen kể từ năm 2014 như một phần của cuộc chiến tàn khốc của đất nước đó. Họ theo đạo Shiite Zaydi, một nhánh của đạo Hồi Shiite hầu như chỉ có ở Yemen.

Lực lượng này đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, làm gián đoạn nghiêm trọng việc vận chuyển ở hành lang Biển Đỏ và thậm chí còn vươn tới Israel. Houthi tuyên bố rằng họ đã tuyển dụng thêm 200.000 chiến binh kể từ khi phát động các cuộc tấn công chống lại Israel.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/iran-co-the-tan-cong-israel-theo-kich-ban-nao-va-luc-luong-nao-se-tham-chien-post306864.html