Iran cố tình tránh thương vong cho quân Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra đòn quân sự đáp trả lại vụ tấn công của Iran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq, tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt gọng kìm trừng phạt Iran.
Các hành động ăn miếng trả miếng từ cả hai bên, diễn ra sau nhiều tháng với dấu hiệu gia tăng căng thẳng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA hồi năm 2018, đã khiến quốc tế lo ngại về việc Trung Đông sẽ tiếp tục rơi vào một cuộc chiến tranh mới.
Tuy vậy, cả Mỹ và Iran đã lùi lại một bước khỏi bờ vực xung đột, trong khi lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cùng kêu gọi cả hai bên kiềm chế.
“Chúng ta có hàng loạt vũ khí và thiết bị quân sự tuyệt vời, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải sử dụng nó. Chúng ta không muốn sử dụng nó”, ông Trump phát biểu trên truyền hình sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran không gây thương vong.
Ông Trump cho biết dường như Iran đã dừng lại và “đây là một điều tốt đẹp cho tất cả các bên liên quan”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ áp các lệnh trừng phạt mới với Iran, tăng thêm các biện pháp nhằm kiềm chế xuất khẩu dầu và nền kinh tế nước này. Dù vậy, ông không nêu cụ thể các biện pháp.
Bình luận của ông được đưa ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran là đòn phản công của họ đối với việc Mỹ không kích giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ.
Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh Tehran không muốn leo thang căng thẳng hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ sự xâm lược nào.
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã gọi vụ tấn công bằng tên lửa là “một cú tát vào mặt Mỹ” và cho biết Iran vẫn quyết tâm đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Mỹ đã nhận được “thông tin đáng kích lệ rằng Iran đã gửi thông điệp” đến các đồng minh rằng không tấn công các mục tiêu Mỹ.
Moqtada al-Sadr, một giáo sĩ Shi’ite có ảnh hưởng và có quan điểm phản đối sự can thiệp của Mỹ và Iran ở Iraq, cho biêt cuộc khủng hoảng ở Iraq đã kết thúc và kêu gọi các phe phái tại Iraq “bình tĩnh, kiên nhẫn và không tiến hành các hành động quân sự”.
Kataib Hezbollah, một lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn bị Mỹ đổ lỗi cho cuộc tấn công ở Iraq vào tháng 12-2019 khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng, cho biết, “trong điều kiện hiện nay, cần kiềm chế ‘đam mê’ nhất thời để đạt được kết quả cuối cùng” là “tống cổ” lực lượng Mỹ khỏi khu vực, theo Reuters.
Tuyên bố này trái ngược với những bình luận hiếu chiến của Qais al-Khazali, lãnh đạo một lực lượng dân quân khác do Iran hậu thuẫn, người từng cho rằng lực lượng Iraq nên đáp trả vụ ám sát Abu Mahdi al-Muhandis, người thiệt mạng trong vụ không kích ngày 3-1 của Mỹ.
Các quốc gia Arab lo ngại khu vực của mình bị kéo vào một cuộc xung đột khác, cũng kêu gọi các bên hạ hỏa.
“Quốc gia Iraq anh em ngày nay đang cần sự đoàn kết trong để tránh chiến tranh và hiện trở thành chiến trường mà bên thua thiệt nhất lại chính là mình”, Hoàng tử Arab Saudi Faisal bin Farhan viết trên Twitter.
Trong bài phát biểu mới nhất, ông Trump lặp lại lời hứa rằng “chừng nào còn làm Tổng thống thì Iran không bao giờ được phép có vũ khí hạt nhân”, một tham vọng mà Iran luôn phủ nhận, đồng thời kêu gọi các nước còn lại cũng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các nước lớn nên đàm phán một thỏa thuận mới với Iran thay vì thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm.
Iran đã từ chối tiến hành cuộc đàm phán mới và cho biết chỉ tiến hành đàm phán nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Theo nhiều nhà phân tích, Iran, mặc dù có những lời lẽ thẳng thắn, thực sự muốn tránh một cuộc chiến trực diện với các lực lượng vượt trội của Mỹ.
Các nguồn tin của chính phủ Mỹ và Châu Âu cho biết họ tin rằng Iran đã cố tình tìm cách tránh thương vong của quân đội Mỹ trong các cuộc tấn công tên lửa của mình để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/iran-co-tinh-tranh-thuong-vong-cho-quan-my-577407/