Iran đứng trước tình thế 'tiến thoái lưỡng nan', Mỹ lo sợ bị ảnh hưởng
Sau cáo buộc về cuộc tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Syria, câu hỏi lớn nhất mà Iran phải trả lời là làm thế nào để trả đũa mà không làm chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông? Dù câu trả lời là gì, Mỹ cũng đều lo ngại.
Trong khi cuộc giao tranh trên Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lực lượng Hezbollah tại Lebanon vẫn tiếp tục tấn công nhằm vào Israel và Biển Đỏ đang “dậy sóng” bởi các cuộc không kích của Houthi, cuộc tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Syria hôm 1/4 thực sự đã đổ thêm dầu vào “chảo lửa” Trung Đông. Vụ tấn công có tính chất vô cùng nghiêm trọng vì địa điểm bị tấn công là một cơ sở ngoại giao và mục tiêu nhắm đến là các quan chức quân sự cấp cao của Iran.
Cuộc tấn công hôm 1/4 nằm trong chiến dịch quân sự của Israel chống lại Iran và các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố trước báo giới, Iran sẽ đáp trả.
Nhưng Iran đáp trả như thế nào vẫn là một ẩn số.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Iran
Hiện nay, Tehran có nhiều lựa chọn. Họ có thể mở rộng chương trình hạt nhân tại quốc gia mình - điều mà Mỹ và các đồng minh từ lâu đã tìm cách kiềm chế; hoặc sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để tấn công Mỹ và Israel.
Ở kịch bản thứ nhất, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã trở thành cái cớ để Tehran tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân. Thực tế, trong những năm qua, Iran vẫn tiến hành các hoạt động hạt nhân vì “mục đích hòa bình”, theo lời Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố trước truyền thông vào tháng 4/2022.
JCPOA giới hạn mức độ tinh khiết của uranium mà Iran có thể sử dụng là 3,67%; nhưng theo kết quả giám sát của các quốc gia phương Tây, đã có những lúc, mức độ tinh khiết thực tế cao gấp 16 lần mức độ cho phép. Sau sự kiện 1/4, có khả năng Iran sẽ đẩy mức độ này lên tới 90% - mức độ cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân và bắt đầu sản xuất vũ khí hàng loạt.
Tuy nhiên, kịch bản này có thể gây ra tác dụng ngược, khiến Iran hứng chịu những cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Israel. Và chắc chắn, quốc gia này không thể chiến thắng hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Trong kịch bản thứ hai, gần như chắc chắn Iran sẽ tấn công các mục tiêu của Israel, nhưng sẽ cố gắng né tránh một cuộc chiến tranh toàn diện. Theo ông Elliott Abrams, trong bối cảnh “chảo lửa” Trung Đông đang nóng hơn bao giờ hết, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, Iran không muốn tuyên chiến với Israel nhưng sẽ tấn công vào những cứ điểm trọng yếu của đối phương.
Ông Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Tổ chức nghiên cứu CSIS tại Washington (Mỹ) cho rằng, thay vì tuyên bố chiến tranh với Israel, Iran sẽ ưu tiên việc “chứng minh cho các đồng minh ở Trung Đông thấy rằng nước này không hề yếu”. Ông Alterman cũng không loại trừ khả năng Iran tấn công quân đội Mỹ đang đóng tại Trung Đông.
Tuy nhiên, với tình hình Trung Đông hiện nay, một hành động nhỏ cũng có thể gây nên tiếng vang lớn, đẩy chiến sự đi xa vượt tầm kiểm soát.
Iran cũng có thể sự dụng ảnh hưởng của mình với các phong trào Hồi giáo vũ trang, đặc biệt là dòng Shitte trong khu vực để khơi mào một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Israel, như những gì nước này đang làm với Houthi tại Yemen. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, cuộc chiến ủy nhiệm có thể kéo dài dai dẳng, khiến Iran tổn thất nhiều hơn so với một cuộc đối đầu trực tiếp.
Mỹ lo sợ bị ảnh hưởng
Dù kịch bản nào xảy ra, Mỹ cũng đều có lý do để e ngại. Hai ngày sau vụ việc 1/4, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ đã đưa ra cảnh báo Iran không được không “lợi dụng tình hình” để trả đũa vào các lợi ích của Mỹ sau cuộc tấn công của Israel vào khu đại sứ quán của Iran ở Syria.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ nhân viên của mình nếu Iran tiếp tục tấn công”.
Các cuộc tấn công tương tự của Iran đã chấm dứt vào tháng 2/2024 sau khi Washington trả đũa vụ việc ba lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan không lâu trước đó bằng hàng chục cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria và Iraq có liên quan đến Iran và lực lượng dân quân mà nước này hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Iran tuyên bố trước Hội đồng Bảo an rằng, họ có quyền "thực hiện phản ứng quyết định" đối với cuộc tấn công, đồng thời cũng quy trách nhiệm về phía Mỹ, cáo buộc Washington đã gây bất ổn cho khu vực Trung Đông và hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas.
"Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm tội do Israel gây ra", Phó Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Zahra Ershadi nói.
Mỹ hiện theo dõi sát sao tình hình Iran nhằm ngăn chặn các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn có thể bất ngờ tấn công quân đội Mỹ đóng tại Iraq và Syria.