Iran - Mỹ nối lại đàm phán hạt nhân gián tiếp
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi, vòng tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia Mỹ và Iran sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tại Thủ đô Muscat của Oman, với sự tham gia của các bên trung gian.
Sau nhiều năm bế tắc, Mỹ và Iran đã nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran, với sự trung gian của Oman. Tuy nhiên, những “lằn ranh đỏ” của Iran và quan điểm cứng rắn về Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đang tạo ra nhiều thách thức cho tiến trình đàm phán.

Vòng tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia Mỹ và Iran sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tại Thủ đô Muscat của Oman. Ảnh: Aa.com
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi, vòng tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia Mỹ và Iran sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tại thủ đô Muscat của Oman, với sự tham gia của các bên trung gian.
Sau cuộc gặp ngày 23/4, các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Iran sẽ gặp lại nhau vào ngày 26/4, nhằm đánh giá "mức độ phù hợp với các nguyên tắc của thỏa thuận tiềm năng”.
Ông Gharibabadi khẳng định, Iran kiên quyết giữ quyền làm giàu uranium – đây là một trong những “lằn ranh đỏ” mà Tehran sẽ không thỏa hiệp tại bàn đàm phán.
Cuộc đàm phàn hạt nhân thứ hai giữa Mỹ và Iran đã diễn ra trong ngày 19/4 tại Rome (Italia). Cuộc thảo luận kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ do Oman làm trung gian, với sự góp mặt của Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff.
Theo Ngoại trưởng Abbas Araghchi, tại vòng đàm phán hạt nhân thứ hai với Mỹ tại Rome, phái đoàn Iran đã nhấn mạnh rằng họ coi JCPOA ký năm 2015 chỉ còn là một “bài học kinh nghiệm” và không có ý định quay trở lại với thỏa thuận này.
Viết trên trang mạng xã hội X hôm 19/4, Ngoại trưởng Araghchi cho hay: “Chúng tôi đã thông báo với phái đoàn Mỹ rằng nhiều người ở Iran không còn coi JCPOA là một thỏa thuận có lợi. Đối với họ, điều còn lại từ thỏa thuận này chỉ là những ‘bài học kinh nghiệm”. Cá nhân tôi cũng nghiêng về quan điểm đó”.
Mặc dù vậy, ông Araghchi vẫn để ngỏ khả năng tiến tới một thỏa thuận mới, khi cho biết hai bên đã đạt được một số tiến triển trong việc xây dựng khuôn khổ cho một hiệp định hạt nhân trong tương lai.
Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ rằng các cuộc tham vấn kỹ thuật sẽ tiếp tục tại Geneva, và một đề xuất đáng chú ý đang được xem xét, đó là chuyển kho uranium làm giàu cao của Iran sang Nga như một biện pháp bảo đảm.
Trong trường hợp Mỹ vi phạm thỏa thuận mới, số uranium này có thể được hoàn trả lại Tehran. Kịch bản này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong các cuộc đàm phán hạt nhân, khi Nga đóng vai trò trung tâm, còn Anh, Pháp và Đức bị đẩy ra ngoài rìa.
Bối cảnh đàm phán hiện nay bị phủ bóng bởi lịch sử nhiều biến động của JCPOA. Thỏa thuận được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt toàn bộ lệnh trừng phạt, buộc Iran giảm cam kết và hạn chế hoạt động giám sát của Cơ quan Nâng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ năm 2020.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ từng nỗ lực khôi phục thỏa thuận JCPOA trong giai đoạn 2021–2022, nhưng không đạt kết quả. Sau khi ông Trump tái đắc cử và trở lại Nhà Trắng đầu năm nay, chính quyền mới đã lập tức tái khởi động chính sách gây “áp lực tối đa”, đồng thời cảnh báo sử dụng vũ lực nếu Tehran từ chối đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới.
Dù Iran tuyên bố không còn mặn mà với JCPOA, và Mỹ tái khẳng định lập trường cứng rắn, các cuộc đàm phán mới – đặc biệt với vai trò trung gian tích cực của Oman và khả năng tham gia của Nga – vẫn tạo ra hy vọng về một lộ trình thay thế mang tính xây dựng và khả thi.
Theo giới quan sát, nếu hai bên có thể thống nhất một cơ chế kỹ thuật kiểm soát uranium, đồng thời từng bước dỡ bỏ cấm vận, đây sẽ là bước tiến quan trọng hướng tới ổn định khu vực và hạn chế nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/iran-my-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-gian-tiep-1.680238.html