Iran: Nghị quyết mới của IAEA ảnh hưởng xấu đến hợp tác song phương
Nghị quyết do Anh, Pháp, Đức và Mỹ đề xuất yêu cầu Iran nhanh chóng hợp tác với cuộc điều tra về các dấu vết hạt nhân được phát hiện tại 3 cơ sở mà Tehran chưa từng công bố.
Ngày 17/11, các nước Iran, Trung Quốc và Nga đã bày tỏ lập trường phản đối sau khi Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) gồm 35 quốc gia thành viên thông qua một nghị quyết liên quan đến các vấn đề an toàn hạt nhân.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nghị quyết do Anh, Pháp, Đức và Mỹ đề xuất yêu cầu Iran nhanh chóng hợp tác với cuộc điều tra về các dấu vết hạt nhân được phát hiện tại 3 cơ sở mà Tehran chưa từng công bố.
Tại cuộc họp của Hội đồng thống đốc IAEA, văn kiện này đã được thông qua với 26 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 5 phiếu trắng trong khi đại diện 2 nước thành viên vắng mặt. Trong đó, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu chống.
Đây là nghị quyết thứ 2 trong vòng một năm, sau nghị quyết hồi tháng 6 vừa qua, yêu cầu Iran hợp tác điều tra về sự việc này.
Do Iran yêu cầu chấm dứt điều tra nên đây cũng là điểm gây bế tắc trong các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc thế giới, tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Iran cũng chỉ trích những nghị quyết như vậy và đề nghị tổ chức một cuộc họp với IAEA nhằm giải thích về những dấu vết này.
Phản ứng về nghị quyết mới nhất của IAEA, hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời đặc phái viên của Iran tại IAEA Mohsen Naziri-Asl nhấn mạnh chính quyền Iran tin chắc rằng nghị quyết sẽ không đem lại kết quả và chỉ nhằm biện minh cho các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran.
Iran cũng cảnh báo nghị quyết được thông qua có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình hợp tác của nước này với IAEA.
Về phần mình, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Wang Chang, tuyên bố Trung Quốc phản đối việc các nước liên quan gây áp lực đối với Iran bằng nghị quyết chống lại Nhà nước Hồi giáo này, cảnh báo điều đó sẽ không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran mà chỉ gây phản tác dụng.
Ông cũng cho rằng các vấn đề nổi bật liên quan tới các biện pháp tự vệ của Iran về cơ bản là vấn đề song phương giữa Ban Thư ký IAEA và Iran và cần được giải quyết thông qua đối thoại cũng như tham vấn giữa hai bên.
Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan có hành động cụ thể để hỗ trợ IAEA thúc đẩy hợp tác với Iran và thu hẹp sự khác biệt thông qua đối thoại.
Về tiến trình đàm phán nhằm khôi phục JCPOA, đặc phái viên Trung Quốc cũng khẳng định các cuộc thương lượng đang ở giai đoạn quan trọng.
Ông nhấn mạnh Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán hạt nhân Iran tránh các hành động có thể làm suy yếu các cuộc thượng lượng và tạo không khí thuận lợi để sớm đạt được thỏa thuận.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Mikhail Ulyanov cũng bày tỏ lập trường tương tự sau khi nghị quyết mới được thông qua.
JCPOA được Iran và các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo). Hiện các bên vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá nào, sau vòng đàm phán mới nhất diễn ra từ đầu tháng 8./.