Iran sẽ phản ứng 'tương xứng' nếu phương Tây tái áp đặt trừng phạt
Iran kiên quyết phản đối mọi cảnh báo từ nhóm E3 (gồm Pháp, Đức, Anh) về việc kích hoạt cơ chế tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani mới đây đã lên tiếng cảnh báo nước này sẽ có "phản ứng quyết đoán và tương xứng” nếu các quốc gia châu Âu "lạm dụng" điều khoản snapback (đảo ngược) nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, tuyên bố trên được ông Amir Saeid Iravani đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 17/12 nhằm thảo luận về việc thực thi Nghị quyết 2231.
Nghị quyết này được Hội đồng Bảo an thông qua năm 2015 nhằm phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức), trong đó Tehran cam kết không tìm kiếm, phát triển hay mua vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Tại cuộc họp, ông Iravani đã kiên quyết phản đối mọi cảnh báo từ nhóm E3 (gồm Pháp, Đức, Anh) về việc kích hoạt cơ chế tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhấn mạnh điều khoản này không phải là "công cụ" trong tay các cường quốc phương Tây để gây sức ép lên Iran.
Bất chấp những cáo buộc của nhóm E3 và Mỹ mà ông Iravani cho là "vô căn cứ," quan chức này khẳng định Iran vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) theo các nghĩa vụ đã ký kết. Ông đồng thời nhấn mạnh cam kết của Tehran trong việc duy trì ngoại giao và đối thoại để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Trước đó, trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/12, nhóm E3 đã đề xuất khả năng tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm ngăn nước này phát triển chương trình hạt nhân.
Bức thư nêu rõ cả ba nước đều nhấn mạnh quyết tâm sử dụng mọi công cụ ngoại giao sẵn có để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này bao gồm cả việc kích hoạt điều khoản snapback (đảo ngược) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran nếu cần thiết. Đây là cơ chế được quy định trong JCPOA năm 2015, theo đó cho phép các bên tham gia ký kết tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó. Trong thư, nhóm E3 cũng lưu ý thời điểm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an sắp hết hạn vào tháng 10/2025 tới.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump khi đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA và tái áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Iran.
Iran sau đó đã thu hẹp việc thực hiện cam kết trong thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tan vỡ của thỏa thuận.
Từ đó đến nay, các nước tham gia còn lại đã nỗ lực thúc đẩy nhiều vòng đàm phán để cứu vãn thỏa thuận, song chưa đạt được kết quả./.