Iran tấn công Israel: Đòn trả đũa hay sai lầm chiến lược?

Theo chuyên gia, việc Iran tấn công Israel là một đòn trả đũa răn đe nhưng cũng có thể là một sai lầm chiến lược của Tehran.

Đêm 13-4, Iran đã nã hàng loạt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái UAV vào lãnh thổ Israel. Đây là lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công Israel và được coi là đòn trả đũa của nước này trước việc Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích, khiến 3 chỉ huy cấp cao của Iran thiệt mạng, mà Iran cho là Israel gây ra.

Đòn trả đũa răn đe…

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iran đã phóng 170 UAV, 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình vào Israel, phần lớn là từ lãnh thổ Iran và một số ít từ Iraq và Yemen. IDF khẳng định 99% tên lửa và UAV này đã bị đánh chặn, và chỉ có một số tên lửa đạn đạo lọt lưới phòng không gây ra thiệt hại nhỏ ở căn cứ quân sự Nevatim ở miền nam Israel, theo The Times of Israel.

Ông Masoud Mostajabi, Phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng trước khi phát động cuộc tấn công này, giới lãnh đạo ở Tehran đã lập luận rằng việc không tiến hành các biện pháp rõ ràng và dứt khoát nhằm ngăn chặn các hành động gây hấn của Israel sẽ gửi tín hiệu cho Israel rằng các hành động như vậy sẽ được Iran du di trong tương lai.

 Iran tấn công Israel bằng UAV và tên lửa vào sáng 14-4. Ảnh: REUTERS

Iran tấn công Israel bằng UAV và tên lửa vào sáng 14-4. Ảnh: REUTERS

Nếu Iran không có các biện pháp ngăn chặn từ bây giờ, một ngày nào đó họ chắc chắn sẽ phải đáp trả do có thể Israel sẽ tăng tấn công hơn nữa. Theo logic đó, việc trả đũa của Iran dường như có phần hạn chế và có thể được dàn dựng để mang lại cho Israel và Mỹ sự linh hoạt trong việc tránh xung đột lan rộng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS. Nguyễn Tăng Nghị, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Quan hệ Quốc tế - ĐH KHXH&NV, cho rằng việc Iran tấn công Israel từ lãnh thổ của mình, qua lãnh thổ Iraq, Jordan,.. bằng những vũ khí này khó gây thiệt hại lớn cho Israel. Lý do là Israel có hệ thống cảnh báo sớm và phòng không mạnh, điều này giúp Israel đánh chặn những nguồn hỏa lực này từ xa, giảm thiệt hại tối đa.

“Đây có thể là một đòn thị uy của Iran, khuấy động tinh thần của các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn ở trong khu vực, hơn là đòn tấn công muốn gây thiệt hại lớn cho Israel” - TS. Nghị nhận định.

Trước khi Iran tấn công Israel, một số chuyên gia nói với tờ The New York Times rằng Israel hy vọng Iran sẽ tấn công theo cách vừa giúp Iran giữ thể diện, nhưng đủ thận trọng để không khơi dậy một cuộc phản đòn khốc liệt của Israel.

Ông Amos Gilead, một tướng Israel đã nghỉ hưu, cho biết Iran “không muốn một cuộc chiến tranh tổng lực”, vì vậy Iran “có thể tấn công các mục tiêu giúp họ có thể tuyên bố rằng họ đã đạt được một chiến thắng vĩ đại”

…hay một sai lầm chiến lược?

Ông Thomas S. Warrick, thành viên cấp cao không thường trú của Hội đồng Đại Tây Dương và từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng “dường như Iran đã đưa ra một đánh giá rất sai lầm về mặt chiến lược” khi tấn công vào Israel.

TS. Nguyễn Tăng Nghị cũng cho rằng quyết định tấn công Israel sẽ đẩy Iran vào nguy hiểm. Khả năng Israel sẽ tấn công trả đũa rất lớn khi trong cuộc họp khẩn cấp sáng 14-4 Nội các an ninh Israel đã ủy quyền cho Nội các chiến tranh toàn quyền quyết định các biện pháp tấn công đáp trả. Đằng sau Israel còn có Mỹ và các đồng minh, mà hiện Mỹ và các nước này đã điều tàu chiến, chiến đấu cơ trong khu vực để bảo vệ Israel.

 Chiến đấu cơ Israel trở về sau khi đi ngăn chặn tên lửa Iran tấn công Israel. Ảnh: IDF

Chiến đấu cơ Israel trở về sau khi đi ngăn chặn tên lửa Iran tấn công Israel. Ảnh: IDF

Theo TS. Nghị, một yếu tố quan trọng nữa là việc Iran tấn công Israel sẽ tạo cớ để Israel, dưới sự ủng hộ của Mỹ, tấn công vào các cơ sở quân sự, chính phủ Iran, đặc biệt là cơ sở nghiên cứu hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân mà Iran đã nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua.

Cuộc tấn công của Iran cũng khiến các nước phương Tây, gồm Mỹ, Anh, Đức, đồng loạt lên án và thể hiện cam kết an ninh với Israel, thể hiện qua cả những phát ngôn và hành động quân sự trên thực địa.

“Việc Iran tấn công vào Israel không chỉ là xung đột giữa hai nước mà là cuộc đối đầu giữa Iran với Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Nếu xung đột lan rộng ở khu vực này thì bên thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là Iran” - TS. Nghị nhận định.

Nín thở chờ xem Israel hành động

Một quan chức Israel giấu tên nói với The Times of Israel rằng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về phản ứng của Israel với cuộc tấn công của Iran. Dự kiến phản ứng của Israel sẽ được thảo luận tại cuộc họp Nội các chiến tranh vào 3 giờ chiều ngày 14-4 (giờ địa phương).

Truyền thông Mỹ, gồm đài CNN và trang Axios, dẫn lời các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ bất kỳ cuộc phản công nào của Israel nhằm vào Iran.

Ông Carmiel Arbit, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng việc Iran tấn công Israel là sự leo thang bất ngờ giữa hai nước, đưa xung đột ngầm bấy lâu ra ngoài ánh sáng.

“Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: liệu các lực lượng ủy nhiệm của Iran, bao gồm Houthis và Hezbollah, có tham chiến hay không; liệu có thương vong ở Israel hay không hay liệu các hệ thống phòng không của nước này có ngăn chặn được thiệt hại đáng kể hay không; và cuối cùng là cách Israel lựa chọn phản ứng” - ông Carmiel Arbit cho hay.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/iran-tan-cong-israel-don-tra-dua-hay-sai-lam-chien-luoc-post785528.html