Iran từ chối cho phép thanh sát viên IAEA tiếp cận cơ sở hạt nhân

Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami (phải) và Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharib Abadi tham dự cuộc họp thường niên của IAEA tại Vienna, Áo ngày 20/9. Nguồn: AFP

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 26/9 cho biết Iran đã không thể tôn trọng đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận đạt được cách đây 2 tuần cho phép các thanh sát viên nước này lắp đặt các thiết bị giám sát ở quốc gia Trung Đông.

Theo tuyên bố của IAEA, "Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh quyết định của Iran không cho phép tiếp cận cơ sở chế tạo máy ly tâm TESA Karaj là trái với những điều khoản đã được nhất trí của thỏa thuận chung công bố hôm 12/9".

Tuyên bố cho biết thêm Iran từ ngày 20-22/9 đã cho phép thanh sát viên IAEA được tiếp cận các thiết bị giám sát của cơ quan này và thay thế thẻ nhớ tại tất cả các địa điểm cần thiết ở Iran, ngoại trừ cơ sở sản xuất máy ly tâm tại tổ hợp TESA Karaj.

Trước đó, cơ sở này đã bị phá hoại hồi tháng 6, khiến 1 trong 4 camera của IAEA lắp đặt tại đây bị phá hỏng. IAEA đã yêu cầu Iran giải thích và chuyển lại thẻ nhớ này.

Thỏa thuận hôm 12/9 đạt được ngay trước thềm hội nghị Ban giám đốc IAEA gồm 35 quốc gia thành viên, đồng nghĩa các nước phương Tây sẽ không đề xuất nghị quyết chỉ trích Iran tại hội nghị này, khi các thẻ nhớ của thiết bị giám sát sẽ được thay thế dù sắp đầy dữ liệu.

Một nghị quyết như vậy có thể hủy hoại hy vọng nối lại các vòng đàm phán về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước đó khẳng định Tehran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán, song không phải dưới "áp lực" của phương Tây.

Liên quan đến tình hình Iran, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 25/9 kêu gọi Mỹ có cách tiếp cận tích cực hơn để giúp nối lại các cuộc đàm phán đang đình trệ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Mỹ “cần tích cực hơn” trong việc “giải quyết tất cả các vấn đề” liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Bên cạnh đó, ông bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) giữa Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức sẽ được nối lại “sớm nhất có thể".

Trước đó ngày 24/9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố Tehran không muốn từ bỏ các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc sau khi các cường quốc phương Tây bày tỏ thất vọng về tiến độ chậm chạp.

Phát biểu với hãng thông tấn IRNA từ New York, Ngoại trưởng Abdollahian nói: "Chúng tôi không tìm cách rời khỏi bàn đàm phán. Chúng tôi chắc chắn sẽ theo đuổi một cuộc thương lượng phục vụ các quyền và lợi ích của đất nước chúng tôi... Chúng tôi đang xem xét các cách liên quan vấn đề quay trở lại đàm phán... chúng tôi sẽ trở lại bàn đàm phán sớm nhất có thể".

Sau sáu vòng đàm phán tại Vienna kể từ tháng 4 vừa qua nhằm khôi phục JCPOA cũng như đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, các bên cho biết giữa Tehran và Washington vẫn còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng liên quan tới việc khôi phục thỏa thuận. Kể từ sau vòng đàm phán thứ sáu kết thúc vào ngày 20/6, các cuộc đàm phán này đã bị ngưng trệ.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran đã dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.

T.LÊ (tổng hợp từ TXTVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264544/iran-tu-choi-cho-phep-thanh-sat-vien-iaea-tiep-can-co-so-hat-nhan.html