Iran và Iraq sôi sục tìm kiếm các biện pháp 'trả đũa' Mỹ
Nhà Trắng có thể kéo dài lệnh tạm cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, trong khi Iran và Iraq đang cân nhắc các biện pháp đáp trả quyết định này.
Sau khi công bố một chính sách đầy bất ngờ và gây nhiều tranh cãi về việc tạm cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày chủ nhật (29/1) đã viết trên mạng Twitter: "Đất nước chúng ta cần những bờ cõi vững chắc và quy trình điều tra cực kỳ khắt khe”.
Phát biểu trước báo giới Mỹ về lệnh cấm người Hồi giáo nhập cư trong vòng ba tháng, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cho biết "có lẽ, chúng ta cần kéo dài lệnh cấm này để ngăn chặn những kẻ muốn làm điều xấu cho nước Mỹ."
Làn sóng phản đối quốc tế
Lệnh tạm cấm nhập cư mới vào Mỹ đã gây ra làn sóng phản đối trên hầu khắp thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc nhở ông Trump rằng Mỹ tham gia ký kết Công ước Geneva trong đó "quy định cộng đồng quốc tế cần phải tiếp nhận người tị nạn chiến tranh vì lý do nhân đạo."
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết sẽ tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trudeau viết trên Twitter: "Gửi các bạn, những người phải trốn chạy khỏi sự ngược đãi, khủng bố và chiến tranh, nhân dân Canada sẽ chào đón các bạn cho dù đức tin của bạn là gì. Đa dạng hóa là sức mạnh của chúng ta."
Mệnh lệnh Hành pháp được Tổng thống Trump ký vào tối ngày 27/1 cấm các công dân từ 7 nước Hồi giáo, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ cho đến khi quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn có thể được triển khai, bất chấp một thực tế là công dân các nước này chưa bao giờ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ.
Các tổng chưởng lý 16 bang của Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung lên án sắc lệnh mới của tân Tổng thống. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi cam kết nỗ lực hết mình để đảm bảo giảm thiểu tối đa số nạn nhân bởi tình trạng hỗn đoạn do mệnh lệnh này gây ra."
Lệnh cấm này còn ảnh hưởng đến một số những người có thẻ xanh, những người đã được điều tra và chờ được cấp quy chế định cư vĩnh viễn tại Mỹ song vô tình đã đi ra khỏi nước Mỹ trong thời gian lệnh cấm nhập cảnh mới được ban hành.
Hàng ngàn người đã đến các sân bay lớn tại Mỹ để phản đối lệnh cấm này. Sảnh quốc tế ở sân bay John F.Kennedy tại New York đông nghẹt người biểu tình tràn ra ngoài phố và chiếm toàn bộ bãi đỗ xe gần đó. Các cuộc biểu tình còn diễn ra vào ngày 29/1 chủ yếu tại Washington trước Nhà Trắng và ở thành phố Boston.
Các thẩm phán phán quyết việc cấm nhập cảnh là bất hợp pháp
Vào tối ngày 28/1, Thẩm phán liên bang tại Brooklyn, Ann Donnelly, đã xử vụ kiện do Liên Minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đại diện cho hai công dân Iraq bị giữ lại tại sân bay JFK đệ đơn. Thẩm phán Donnelly phán quyết việc ngăn cản, không cho phép hai công dân này nhập cảnh vào Mỹ là bất hợp pháp. Các thẩm phán ở các bang khác của Mỹ cũng đưa ra những phán quyết tương tự, làm giảm sức mạnh của mệnh lệnh hành pháp mới.
Theo Chánh văn phòng Nhà Trắng, hầu hết những người bị tạm giữ để thẩm vấn bổ sung khi đến Mỹ đã được thả tự do.
Mặc dù Bộ An ninh Nội địa Mỹ quyết tâm duy trì lệnh cấm này, song không phải ai tại Washington hài lòng về sự thay đổi bất ngờ này. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, nhà lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Nghị viện Mỹ, đã thúc giục các cơ quan chính phủ cần cẩn trọng về việc thực thi mệnh lệnh mới này.
Trả lời phỏng vấn hãng phát thanh và truyền hình Mỹ (ABC), thượng nghị sỹ McConnell phát biểu: "Tôi cho rằng điều quan trọng cần ghi nhớ rằng một phần trong những nguồn lực tốt nhất trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan chính là người Hồi giáo cả ở trong và ngoài nước...Vì thế, chúng ta cần cẩn trọng khi thực hiện điều này”.
Iran, Iraq tìm kiếm các biện pháp "trả đũa"
Iran và Iraq cân nhắc ban hành lệnh cấm ngược trở lại đối với công dân Mỹ đến các nước này.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Iran, nước này sẽ "áp dụng các biện pháp đáp lại để bảo vệ quyền lợi công dân của Iran cho đến khi chính phủ Mỹ xóa bỏ những biện pháp hạn chế gây xúc phạm đến công dân Iran."
Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố cấm công dân Mỹ nhập cảnh vào Mỹ, song khác với chính sách của ông Trump, những công dân Mỹ đã có visa hợp lệ vẫn được phép nhập cảnh vào Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho hay quyết định của ông Trump chỉ tiếp tay cho những kẻ khủng bố sẽ dựng lên câu chuyện phương Tây ghét đạo Hồi như là vũ khí chính để tuyển mộ chiến binh. Theo ông Zarif, sắc lệnh này "sẽ được lịch sử ghi nhận là món quà lớn cho những kẻ cực đoan và những người ủng hộ chúng."
Mặc dù chính phủ Iraq còn lưỡng lự đưa ra biện pháp "trả đũa", nhiều người dân Iraq kêu gọi thực hiện các biện pháp tương tự.
Moktada al-Sadr, một giáo sỹ có tầm ảnh hưởng lớn ở Iraq, vào ngày 29/1 đã phát biểu rằng người Mỹ cần dời khỏi Iraq.
Ông al-Sadr đã viết trên trang web của mình: "Thật là ngạo mạn khi người Mỹ được tự do đến Iraq và các nước khác trong khi lại gây cản trở cho công dân các nước khác nhập cảnh vào nước mình...Vì thế, nước Mỹ cần đưa công dân của mình ra khỏi Iraq."
Một số thành viên quốc hội Iraq cho biết Iraq cần áp dụng những biện pháp đáp trả Mỹ.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp vào ngày 29/1 tại Baghdah, Ủy ban Ngoại giao quốc hội Iraq cho hay: "Iraq đang nằm ở tiền tuyến của cuộc chiến tranh chống khủng bố...và thật không công bằng khi người Iraq bị đối xử như vậy. Chúng tôi đề nghị chính phủ Iraq đáp trả quyết định của chính quyền Mỹ."
Popular Mobilzation, liên minh các nhóm bán quân sự người Shi'ite được Iran đào tạo và trang bị vũ khí để chống Nhà nước Hồi giáo kêu gọi trục xuất công dân Mỹ ra khỏi Iraq.
Một thành viên Ban Đối ngoại thuộc quốc hội Iraq cho biết Bộ Ngoại giao Iraq sẽ liên hệ với chính phủ Mỹ để làm rõ về vấn đề này.
Một nhà làm luật thứ hai của Iraq cho hãng tin Reuters biết chính phủ Iraq sẽ giải thích "Iraq với tư cách là một nước có chủ quyền sẽ buộc phải đáp trả và điều này sẽ phương hại đến quan hệ hợp tác giữa hai nước, bao gồm hợp tác quân sự trong cuộc chiến chống IS."
Người phát ngôn chính phủ Iraq cho hay Iraq thấu hiểu động cơ an ninh của lệnh cấm nhập cảnh này song nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Trump cần lưu ý đến "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước.
Ông Saad al-Hadithi cho hãng tin AP biết Iraq hy vọng sắc lệnh mới này "sẽ không ảnh hưởng đến những nỗ lực củng cố và phát triển quan hệ song phương Iraq và Mỹ."
Liên minh do Mỹ cầm đầu vẫn đang trong cuộc chiến dai dẳng để giành lại Mosul, thành phố cuối cùng của Iraq đang nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Gần đây, các lực lượng địa phương được yểm trợ bởi các cuộc không kích trên không của liên minh và các cố vấn dưới mặt đất tuyên bố đã giành lại bờ Đông Tigris, con sông chia đôi thành phố Mosul./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/iran-va-iraq-soi-suc-tim-kiem-cac-bien-phap-tra-dua-my-589668.vov