Iran và Israel sở hữu những tên lửa đạn đạo nào?

Khi những lời đe dọa tấn công lẫn nhau giữa Iran với Israel và ngược lại, người ta chú ý nhiều hơn đến kho tên lửa đạn đạo của hai nước này.

Tên lửa siêu thanh Fattah-2 của Iran.

Tên lửa siêu thanh Fattah-2 của Iran.

Vậy Iran và Israel có những loại tên lửa đạn đạo nào? Cùng khám phá qua bài viết của hãng thông tấn RIA.

Iran

Tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran được biết đến là Kheiber. Đây là thế hệ thứ 4 của tên lửa đạn đạo Khorramshahr (còn được gọi là Khorramshahr-4). Nó có tầm bắn 2.000 km và có thể mang đầu đạn nặng khoảng 1.500 kg.

Tên lửa Kheiber-Shekan (hay Kheibar Shekan) có khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi lên tới 1.450 km và có thể mang theo phần chiến đấu khoảng 600 kg.

Emad là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.700 km và có thể mang theo đầu đạn nặng tới 750 kg.

Tiếp theo là tên lửa siêu thanh Fattah-2 được ra mắt vào tháng 11 năm 2023. Tên lửa có tầm bắn 1.500 km trong khi khả năng siêu thanh của tên lửa giúp đầu đạn nặng 450 kg vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của đối phương.

Tên lửa Haj Qassem được đặt theo tên của cố tướng Qassem Soleimani là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.400 km. Nó có thể mang đầu đạn nặng 500 kg và được cho là có khả năng tránh radar.

Tên lửa đạn đạo Sejjil có tầm bắn khoảng 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn nặng khoảng 700 kg.

Tên lửa đạn đạo Shahab-3 được Iran đưa vào biên chế năm 2003, có tầm bắn lên tới 1.300 km và có thể mang theo 1.200 kg đầu đạn.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr-110 có thể mang đầu đạn nặng 800 kg và có tầm bắn lên tới gần 2.000 km.

Và cuối cùng là Dezful. Đây là tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 1.000 km và mang đầu đạn nặng 600-700 kg.

Quân đội Israel

Do tính chất tuyệt mật của chương trình tên lửa đạn đạo của Israel, phần lớn dữ liệu công khai đều dựa trên ước tính.

Jericho-2 là tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể mang phần chiến đấu nặng 1.000 kg và có tầm bắn khoảng 1.500 km.

Jericho-3 là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn ước tính từ 4.800 đến 6.500 km và có thể mang theo đầu đạn nặng tới 1.300 kg.

LORA là tên lửa đạn đạo bán tự động có tầm bắn lên tới 430 km, có khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 570 kg.

Để đối phó với mối nguy từ những tên lửa tối tân của Israel, Iran đã xây dựng và sở hữu một trong những mạng lưới phòng không và tên lửa dày đặc nhất ở Trung Đông.

Lưới lửa đánh chặn nhiều tầng của Tehran sẽ rất hữu ích nếu Israel được cho là sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào nước Cộng hòa Hồi giáo trước khi Tehran trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là Ismail Haniyeh.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/iran-va-israel-so-huu-nhung-ten-lua-dan-dao-nao-post694654.html