Iran và Israel, từ bạn thân hóa kình địch
Theo lịch sử, Iran và Israel từng có quan hệ nồng ấm, vậy nguyên nhân vì đâu mà hai nước trở thành kình địch số một của nhau tại Trung Đông?
Lịch sử thế giới từng chứng kiến quan hệ nồng ấm giữa Israel và Iran trong những năm 1950-1970, nhưng mối quan hệ này đã trở thành “thù địch” từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, khi Tehran quay sang ủng hộ các nước Ả Rập, theo trang NewArab.
Từng rất nồng ấm…
Theo hãng tin AFP, xét về mặt địa lý và văn hóa, Iran và Israel không có chung đường biên giới và không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào. Thêm nữa, người Do Thái đã từng sống ở Ba Tư (nay là Iran) trong khoảng 2.700 năm. Lịch sử người Do Thái cũng từng xem vùng đất này là nơi trú ngụ an toàn, đặc biệt dưới thời trị vì của Cyrus Đại đế - vị Hoàng đế khai quốc của Đế quốc Ba Tư vào thế kỷ thứ VI (TCN).
Theo NewArab, quan hệ Israel và Iran bắt đầu thân thiết khi Iran trở thành quốc gia Hồi giáo thứ hai công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhiều thập niên sau đó, quan hệ 2 nước ngày càng khắng khít khi liên tục đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực gồm quân sự, công nghệ, nông nghiệp và dầu khí.
Cụ thể, trong những năm thập niên 1960 và 1970, Israel có nhiều nhà thầu và cố vấn quân sự cư trú tại Tehran. Không chỉ vậy, giới chức Iran còn mở một trường dạy tiếng Do Thái cho trẻ em Israel ở nước này, thậm chí còn cho thành lập hãng hàng không El Al để mở các chuyến bay thường xuyên giữa Tel Aviv và Tehran.
Cũng trong giai đoạn này, Iran không chỉ là quốc gia dầu mỏ duy nhất tại Trung Đông đồng ý bán dầu cho Israel mà còn trở thành đối tác thương mại quan trọng của Tel Aviv khi nhập khẩu lượng lớn hàng hóa, dịch vụ của Israel. Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án nông nghiệp, dân cư, y tế và cơ sở hạ tầng.
Theo AFP, sở dĩ quan hệ Iran và Israel vô cùng mặn nồng trong nhiều thập niên vì với Tehran thì Israel được xem như một đồng minh giúp nước này nhận được sự ủng hộ của Mỹ - quốc gia siêu cường khi đó đang tìm kiếm các đồng minh tại Trung Đông nói riêng, và toàn cầu nói chung.
… hóa kình địch
Theo NewArab, những thay đổi địa chính trị cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 đã khiến quan hệ Israel-Iran căng thẳng.
Hai sự kiện khiến quan hệ giữa Iran và Israel rơi vào tăm tối, bao gồm: (1) sự ra đi đột ngột của ông Muhammad Anwar el-Sadat - nhà lãnh đạo Hồi giáo có đường lối ôn hòa, thân Israel và là Tổng thống Ai Cập từ năm 1970-1981; (2) sự thành công của Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 - lật đổ Vua Mohammad Reza Pahlavi, thành lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo theo dòng Shiite do Tổng thống Ayatollah Ruhollah Khomeini đứng đầu.
Theo các nhà sử học, những người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran từ lâu đã xem Israel là một quốc gia bất hợp pháp, có hành vi chiếm đất của người Hồi giáo, cũng như đuổi người Palestine ra khỏi quê hương lịch sử của họ - Jerusalem.
Người Shiite còn truyền bá rằng Israel nên sớm được thay thế bằng một vùng lãnh thổ, nơi người Hồi giáo và người Do Thái có thể sống bình đẳng.
Về phần Tổng thống Khomeini, trong bài phát biểu đầu tiên khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Iran chỉ thẳng Mỹ và Israel là 2 mối đe dọa chính của Iran, đồng thời vạch ra đường lối ngoại giao thân thiện với các nước Ả Rập.
Trong những năm 1990, sự kình địch giữa Iran và Israel ngày càng trở nên rõ ràng khi Iran ngày càng thân thiết với Iraq (quốc gia từng là mối đe dọa chiến lược đối với Israel trong những năm 1950-1960). Tehran còn hỗ trợ vũ trang cho các phong trào Hồi giáo ở Trung Đông để chống lại Israel, trong đó có phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) và lực lượng Hezbollah (Lebanon).
Đầu những năm 2000, căng thẳng Iran-Israel thêm tăng nhiệt khi Tehran đạt nhiều tiến bộ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, việc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền ở Iran vào năm 2005 đã đẩy quan hệ 2 nước xuống mức thấp chưa từng có khi ông này liên tục dọa “xóa sổ” Israel, và thúc đẩy đầu tư để Iran đạt nhiều bước tiến mới trong chương trình hạt nhân.
TS Ali Bilgic - chuyên gia Quan hệ quốc tế và An ninh tại ĐH Loughborough (Anh) nhận định rằng Iran có thể tận dụng xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas để giành lại vị thế “lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo”.
Nhưng nếu căng thẳng leo thang, thậm chí kéo Hezbollah và Israel vào thế đối đầu trực tiếp, thì các đồng minh phương Tây của Israel cũng có thể sẽ can thiệp nhiều hơn, khiến Trung Đông trở thành chảo lửa xung đột.
Iran-Israel: Nóng càng thêm nóng
Theo hãng tin Bloomberg, cuộc tấn công tối 13-4 của Iran nhằm vào Israel giống như giọt nước tràn ly, đẩy 2 nước vào một cuộc đối đầu trực tiếp sau nhiều thập niên né tránh.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, trong đêm 13-4, Iran đã phóng hơn 200 “mối đe dọa” gồm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel, song quân đội nước này đã đánh chặn hầu hết các mối đe dọa này.
Phía Iran đã xác nhận thực hiện vụ tấn công và tuyên bố đây có thể coi là đòn trả đũa của nước này trước việc Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích mà Tehran cho là Tel Aviv gây ra.
Theo tờ The New York Times, cuộc tấn công đêm 13-4 đã mở ra một chương mới đầy biến động trong quan hệ Israel-Iran, đẩy tình hình khu vực thêm căng thẳng.
CHÍ THANH
Nguồn PLO: https://plo.vn/iran-va-israel-tu-ban-than-hoa-kinh-dich-post785521.html