Iran và Saudi bên bờ vực chiến tranh sau nhiều thập kỷ thù địch

Dù Saudi Arabia và Iran đã 'chiến tranh lạnh' với các cuộc chiến ủy nhiệm ở Trung Đông vài năm qua, vụ không kích nhà máy dầu Saudi có thể dẫn đến một cuộc chiến trực diện.

Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc Trung Đông cách nhau bởi vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, đã cạnh tranh quyết liệt nhiều năm qua nhằm tranh giành sức ảnh hưởng và vị thế lãnh đạo khu vực.

Theo BBC, căng thẳng Iran - Saudi leo thang nguy hiểm một phần là hệ quả từ những chiến thắng liên tiếp của Tehran trên đấu trường địa chính trị Trung Đông trước địch thủ.

Tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo

Việc Hồi giáo ra đời trên bán đảo Arab được xem là cơ sở lịch sử để Saudi Arabia và vương triều Saud xem mình là lãnh đạo chính danh của thế giới Hồi giáo. Điều này thay đổi vào năm 1979 với Cách mạng Hồi giáo tại Iran.

Khu vực Trung Đông ra đời một nền cộng hòa theo chế độ thần quyền, với thủ lĩnh tối cao là giáo sĩ. Chính quyền Tehran cũng không giấu giếm mong muốn “xuất khẩu” mô hình ra khu vực vốn gồm nhiều nước đang theo chế độ quân chủ.

Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia (trái) và Thủ lĩnh tối cao Sayyid Ali Hosseini Khamenei của Iran. Ảnh: Reuters.

Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia (trái) và Thủ lĩnh tối cao Sayyid Ali Hosseini Khamenei của Iran. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh yếu tố chính trị, quan hệ thù địch kéo dài nhiều thập kỷ càng thêm sâu sắc với những khác biệt về tôn giáo. Mỗi nước đi theo một nhánh lớn khác nhau của Hồi giáo. Người dân tại Iran đa phần theo Hồi giáo Shiite, trong khi Saudi Arabia xem mình là đầu tàu của Hồi giáo Sunni. Khác biệt tôn giáo cũng định hình sự chia phe tại Trung Đông, khi những nước có đa số dân theo Shiite hoặc Sunni chọn hướng về Iran hay Saudi Arabia để tìm kiếm sự lãnh đạo hoặc hỗ trợ.

Trong 15 năm qua, bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran được đào sâu thêm bởi hàng loạt biến động địa chính trị làm thay đổi cục diện Trung Đông.

Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ phát động đã lật đổ chính quyền theo Hồi giáo Sunni của Saddam Hussein, một đối thủ của chính quyền Tehran. Iran loại bớt được một đối trọng quân sự ngay sát biên giới. Lực lượng Shiite lên nắm quyền tại Baghdad và mở cửa cho Iran gia tăng ảnh hưởng tại nước này. Đến phong trào “Mùa xuân Arab” năm 2011, cả Iran và Saudi Arabia cùng tranh thủ những biến động chính trị và an ninh tại khu vực để gia tăng ảnh hưởng và lôi kéo đồng minh mới.

Kiềm hãm sự trỗi dậy của Iran

Giới phân tích cho rằng Iran muốn dùng sức mạnh quân sự và những lực lượng thân Tehran để kiểm soát một hành lang trên bộ, kéo dài từ Iran đến Địa Trung Hải. Điều này khiến Saudi Arabia lo sợ đánh mất vai trò lãnh đạo trong thế giới Arab. Chính phủ Riyadh ủng hộ Mỹ can thiệp vào khu vực và gia tăng các lệnh trừng phạt giáng vào Tehran.

Căng thẳng Iran - Saudi tăng nhiệt sau khi Tehran giành phần thắng trong cuộc nội chiến Syria. Lực lượng thân Iran cùng quân đội Nga đã hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, một lãnh đạo theo Hồi giáo Shiite, đánh bại phiến quân do Saudi Arabia chống lưng. Trong khi đó, đồng minh Hezbollah của Tehran đang dẫn đầu một nhóm chính trị có sức ảnh hưởng lớn tại Lebanon. Tổ chức này đồng thời duy trì một lực lượng vũ trang thiện chiến với quy mô lớn.

Iran và Saudi Arabia tranh giành ảnh hưởng trên khắp Trung Đông, với những cuộc chiến ủy nhiệm vẫn đang diễn ra tại Yemen, Syria và cạnh tranh chính trị ở Lebanon. Đồ họa: BBC.

Iran và Saudi Arabia tranh giành ảnh hưởng trên khắp Trung Đông, với những cuộc chiến ủy nhiệm vẫn đang diễn ra tại Yemen, Syria và cạnh tranh chính trị ở Lebanon. Đồ họa: BBC.

Chính quyền tại Riyadh phải tìm cách hạn chế sự trỗi dậy của Iran tại khu vực. Tuy nhiên, những chính sách quân sự liều lĩnh của Thái tử Mohammed bin Salman, người sẽ kế thừa ngai vàng vương triều Saud, khiến tình hình khu vực leo thang nguy hiểm.

Saudi Arabia lao vào cuộc chiến với phiến quân Houthi do Tehran chống lưng tại nước láng giềng. Nhiều báo cáo của các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho thấy phiến quân ở Yemen nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Iran cả về công nghệ lẫn vũ khí.

Chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen suốt 4 năm qua trở thành một canh bạc tốn kém và khiến chính quyền Riyadh thêm chia rẽ với các đồng minh. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đầu tháng 8 tuyên bố rút quân khỏi Yemen. Hạ viện Mỹ tháng 4 cũng yêu cầu chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia tại chiến trường này.

Nỗ lực kiềm chế Iran của Saudi Arabia còn nhận được sự ủng hộ từ Israel, dù các nước Hồi giáo từng xem Nhà nước Do Thái là kẻ thù không đội trời chung.

Giới lãnh đạo Israel nhìn nhận Iran mới là mối đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Với lực lượng thân Iran đang hoạt động ở Syria, Israel bị đặt trong tình thế kẻ thù đang đứng ngay trước cổng nhà. Nước này và Saudi Arabia cùng phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cho rằng nội dung thỏa thuận không đủ quyết liệt để ngăn chặn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nguy cơ chiến tranh trực diện bùng phát

Đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia đã biến Trung Đông thành một phiên bản thu nhỏ thời hiện đại của Chiến tranh Lạnh.

Tương tự Mỹ và Liên Xô trước năm 1991, Iran và Saudi Arabia đang gián tiếp đánh nhau thông qua những cuộc chiến ủy nhiệm trên khắp khu vực, với mỗi bên ủng hộ và giúp đỡ một lực lượng đối lập. Điều này được ghi nhận tại chiến trường Syria, Yemen, Iraq và cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar.

Iran còn bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc dùng vũ lực đe dọa các tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới ở Vùng Vịnh. Hàng triệu thùng dầu của Saudi Arabia mỗi ngày đều cần đi qua eo biển chiến lược Hormuz để xuất khẩu. Mỹ quy trách nhiệm cho Iran đứng sau nhiều vụ tấn công tàu dầu bí ẩn trên vùng biển từ tháng 5 đến nay.

Tương quan sức mạnh quân sự Iran - Saudi Arabia dựa trên báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London. Đồ họa: BBC.

Tương quan sức mạnh quân sự Iran - Saudi Arabia dựa trên báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London. Đồ họa: BBC.

Dù căng thẳng khu vực leo thang thời gian qua, giới quan sát cho rằng cả Saudi Arabia và Iran không sẵn sàng cho một cuộc chiến trực diện. Thế cân bằng mong manh này vẫn có nguy cơ đổ vỡ sau đợt không kích nhắm vào hai nhà máy dầu Abqiaq và Khurais hôm 14/9.

Vụ việc được xem là bước ngoặt lớn trong cục diện khu vực. Lực lượng Houthi do Iran chống lưng đã đánh thẳng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Saudi Arabia.

“Việc Abqaiq bị tấn công là kịch bản tồi tệ nhất trong mọi kế hoạch mà những nhà hoạch định chính sách an ninh năng lượng có thể nghĩ đến”, Robert McNally, cựu cố vấn năng lượng Nhà Trắng thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Mỹ quy kết Iran có liên quan đến vụ tấn công làm thiệt hại hơn 5,7 triệu thùng dầu/ngày, gần bằng 5% sản lượng dầu toàn cầu. Iran phản pháo các cáo buộc và tuyên bố nước này cũng sẵn sàng cho chiến tranh toàn diện nếu bị đe dọa.

Việc lực lượng quân sự Iran và Saudi Arabia chỉ cách nhau một eo biển khiến nguy cơ va chạm, mở rộng xung đột tăng cao. Mỹ và các cường quốc phương Tây có thể can thiệp quyết liệt nếu xung đột làm gián đoạn các tuyến hàng hải tại khu vực, đe dọa tự do hàng hải tại Vùng Vịnh và mạng lưới cung cấp dầu toàn cầu.

“Giờ thì quên đi việc nới lỏng trừng phạt. Thay vào đó, chúng ta sẽ nhìn thấy sự gia tăng các rủi ro địa chính trị”, ông McNally trả lời New York Times.

Lê Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/iran-va-saudi-ben-bo-vuc-chien-tranh-sau-nhieu-thap-ky-thu-dich-post991106.html