Iran: Vũ khí của Mỹ có thể làm 'nổ tung' Trung Đông

Iran thống kê năm ngoái Mỹ bán 50 tỉ USD vũ khí sang Trung Đông, một số nước tổng dân tương đương 1/3 khu vực chi tới 87 tỉ USD chỉ mua sắm quân sự.

Iran vừa cảnh báo việc Mỹ và một số đối tác của Mỹ bán một số lượng khổng lồ vũ khí cho các đồng minh của mình ở Trung Đông đã và đang gây bất ổn và có thể làm “nổ tung” khu vực.

Trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera ngày 12-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thống kê riêng Mỹ “đã bán 50 tỉ USD vũ khí sang khu vực này” trong năm ngoái; và “một số nước Trung Đông có tổng dân số tương đương 1/3 khu vực đã chi tới 87 tỉ USD chỉ cho mua sắm quân sự”.

Trong khi đó, theo ông Zarif, năm ngoái Iran chi chỉ 16 tỉ USD cho toàn bộ hoạt động quân sự của mình, với quy mô quân đội gần 1 triệu quân.

“Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với tổng dân số khoảng 1 triệu người đã chi tới 22 tỉ USD, Saudi Arabia chi tới 87 tỉ USD” - ông Zarif nhắc đến chuyện mua sắm vũ khí của hai đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.

Tiêm kích F-15 do Mỹ sản xuất để bán cho Không quân Saudi Arabia. Saudi Arabia là nước mua nhiều vũ khí Mỹ nhất thế giới. Ảnh: AIR FORCE REVIEW

Tiêm kích F-15 do Mỹ sản xuất để bán cho Không quân Saudi Arabia. Saudi Arabia là nước mua nhiều vũ khí Mỹ nhất thế giới. Ảnh: AIR FORCE REVIEW

“Lúc này, nếu quý vị nói về các đe dọa đang đến với các nước trong khu vực thì các đe dọa này đến từ Mỹ và các đồng minh phương Tây - những nước đang đổ vũ khí về khu vực này, biến khu vực này thành một hộp mồi lửa sẵn sàng nổ tung” - ông Zarif nói.

Ông Zarif lên tiếng trong khi đang thăm Qatar. Chuyến thăm của ông Zarif là nỗ lực mới nhất của Iran nhằm củng cố quan hệ của Iran với Qatar - nước Hồi giáo Shiite vốn đang bị nhiều nước Hồi giáo Sunni (Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, UAE) cô lập. Bên cạnh cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố, một lý do nữa các nước này đưa ra để cô lập Qatar là vì nước này có quan hệ với Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại thủ đô Doha của Qatar ngày 12-8. Ảnh: IRAN PRESS

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại thủ đô Doha của Qatar ngày 12-8. Ảnh: IRAN PRESS

Qatar cũng là một đồng minh chính của Mỹ và là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ ngày càng tăng, Iran gần đây năng động hơn trong việc tìm cơ hội hợp tác, củng cố quan hệ với nhiều nước trong khu vực. Đầu tháng này, phía Iran đã ký với phía UAE một nghị định hợp tác hàng hải. Ông Zarif và nhiều quan chức Iran cũng có nhiều cuộc đối thoại với các nước Kuwait, Oman, Iraq - những người vừa có quan hệ với cả Iran và với cả Mỹ.

Mục tiêu của Iran là vận động đẩy cao sự chống đối của khu vực với kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ khắp vịnh Ba Tư. Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ từng cáo buộc Iran cản trở giao thông ở eo biển Hormuz - tuyến đường vận tải dầu quan trọng nhất thế giới, tuy nhiên Iran lại đổ lỗi rằng chính Mỹ đã gây ra sự mất an ninh lớn hơn ở đây. Trong ba tháng qua đã có sáu tàu thương mại bị tấn công ở vịnh Ba Tư và Mỹ cho Iran là thủ phạm.

Tàu dầu Front Altair của NaUy bốc cháy sau khi bị tấn công tại vịnh Oman, cách eo biển Hormuz gần 160 km. Mỹ cho Iran là thủ phạm. Ảnh: AFP

Tàu dầu Front Altair của NaUy bốc cháy sau khi bị tấn công tại vịnh Oman, cách eo biển Hormuz gần 160 km. Mỹ cho Iran là thủ phạm. Ảnh: AFP

Mỹ đang vận động thành lập một liên minh hàng hải tuần tra vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz nhằm bảo vệ tàu thương mại qua lại các vùng biển này. Đến thời điểm này chỉ mới có Anh là nước duy nhất chính thức gia nhập liên minh của Mỹ. Pháp không hài lòng lắm về ý tưởng này và Đức thì thẳng thừng từ chối, trong khi đó Trung Quốc và Nga ủng hộ kế hoạch đối thoại khu vực của Iran.

Các nước này nằm trong nhóm P5+1 cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ có Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái. Những nước còn lại tiếp tục ủng hộ thỏa thuận, kêu gọi Mỹ và Iran cùng giảm căng thẳng.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/iran-vu-khi-cua-my-co-the-lam-no-tung-trung-dong-851776.html