Ireland cam kết thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Việt Nam

Sáng 26/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI) tổ chức hội thảo về 'Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả'.

Tại sự kiện, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Conor Finn cho biết, ngành nông nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ireland khi vừa cung cấp việc làm vừa là nguồn xuất khẩu chính của quốc gia châu Âu này. Nông nghiệp cũng là ngành ưu tiên trong hợp tác của Ireland với Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp với Việt Nam. Với tiềm năng lớn, Việt Nam có thể trở thành một mô hình cho các quốc gia khác trong việc phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao và hướng về xuất khẩu,” Phó Đại sứ Conor Finn nói.

Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Conor Finn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Conor Finn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Vào tháng 3/2023, một biên bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và hàng hải Ireland (DAFM) và Bộ NN&PTNT Việt Nam đã được ký kết. Đến tháng 6/2024, DAFM và Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam cũng ký biên bản ghi nhớ về chính sách kinh tế nông nghiệp và hợp tác phát triển...

Ông Conor Finn chia sẻ, Ireland cam kết tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ KH&ĐT, các cơ quan chính phủ khác cũng như đối tác quốc tế trong công cuộc chuyển đổi ngành nông nghiệp thực phẩm của Việt Nam. Là quốc gia thành viên của EU, Ireland cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam để đảm bảo hai nước cùng hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiện nay, Việt Nam và Ireland đang thực hiện một chương trình hợp tác trong nông nghiệp & thực phẩm (IVAP) với 3 chủ đề trọng tâm, gồm hệ thống sản xuất bền vững – tập trung vào hệ thống chăn nuôi thông minh thích ứng với biến đối khí hậu, hướng đến nông nghiệp bền vững và phát thải thấp.

Chủ đề thứ hai là an toàn thực phẩm & hệ thống thực phẩm, với mục tiêu cao nhất là giúp tăng khả năng tiếp cận thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Chủ đề thứ ba là đổi mới và chất lượng, bao gồm phát triển doanh nghiệp và hợp tác, hỗ trợ đổi mới thực phẩm nông nghiệp, hướng tới chuỗi giá trị thực phẩm cạnh tranh, minh bạch và toàn diện.

IVAP đặt ra mục tiêu thúc đẩy nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam.

IVAP đặt ra mục tiêu thúc đẩy nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc của Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI), ông David Butler, chương trình IVAP đề ra mục tiêu thúc đẩy nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng với khí hậu, ít carbon và có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tạo ra nhận thức rõ hơn về nhu cầu phải đổi mới, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng giữa các hợp tác xã nông sản thực phẩm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

IVAP cũng đề ra mục tiêu tạo nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải thúc đẩy trao đổi kiến thức trong hợp tác xã nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp thực phẩm Ireland và Việt Nam...

Về ngành chăn nuôi Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng chia sẻ, từ một đất nước vốn có nền sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mặc dù hạn chế về diện tích đất đai, dân số đông nhưng Việt Nam đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang chăn nuôi tập trung.

Việt Nam đã được thế giới biết đến về năng lực sản xuất nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Hiện tại, Việt Nam vừa cơ bản đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân nội địa và hơn 10 triệu khách du lịch tới Việt Nam, vừa tham gia vào hệ thống thực phẩm của thế giới, ông Đăng nói.

Năm 2023, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị một số khu vực trên thế giới, toàn cầu hóa thương mại nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7%.

Số liệu của năm 2023, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng lợn với hơn 30 triệu con, đứng thứ 6 về sản lượng thịt, hàng năm giết mổ hơn 50 triệu con lợn, cung cấp gần 5 triệu tấn thịt hơi. Đàn gia cầm đạt 558 triệu con, trong đó thủy cầm đạt 102 triệu – đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Tổng đàn trâu bò khoảng 8 triệu con.

Với số lượng trên, ngành chăn nuôi đã cung cấp 7,8 triệu tấn thịt hơi các loại, 19,2 tỷ quả trứng, 1,2 triệu lít sữa nguyên liệu. Chăn nuôi đóng góp tới 26% giá trị GDP nông nghiệp, là một trong 3 lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 3,83% ngành nông nghiệp.

Toàn cảnh sự kiện.

Toàn cảnh sự kiện.

Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng, ngành chăn nuôi thời gian qua phát triển chưa thực sự bền vững và vẫn đang đối mặt với những khó khăn như về vấn đề an toàn sinh học, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm.

Một trong những đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ cao, mật độ chăn nuôi khá lớn, vấn đề vận chuyển – giết mổ - phân phối còn nhiều bất cập. Do đó, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học là một thách thức đặt ra cho ngành.

Về mặt chính sách, thời gian qua, Việt Nam đã đưa mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh vào Luật Chăn nuôi năm 2018, vào các nghị định thông tư hướng dẫn cũng như được đề cập trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045...

Hiện nay, Cục Chăn nuôi cũng đang dự thảo quyết định hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường cho cơ sở chăn nuôi theo hướng hỗ trợ việc phát triển chăn nuôi bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm của Ireland về vấn đề trên, chuyên gia của SFSI, TS. Michelle Riblet cho rằng, an toàn sinh học bằng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp ngành phát triển bền vững. Thực hành tốt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học tại các trang trại là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe của vật nuôi cũng như con người, cộng đồng.

“Đối với hệ thống quản lý phòng ngừa, chúng ta có thể giảm tỷ lệ lây bệnh truyền nhiễm, giảm tỷ lệ thuốc kháng sinh... Khi chúng ta xây dựng hệ thống đúng đắn, hiệu quả, hoàn toàn có thể bảo vệ trang trại khỏi rủi ro sức khỏe, không chỉ cho đàn vật nuôi, cho cây trồng mà còn cho con người, đảm bảo đa dạng sinh học,” bà Michelle Riblet nói.

Theo bà Michelle Riblet, các biện pháp an toàn sinh học bao gồm biện pháp mang tính vật lý và quản lý. Trong đó, biện pháp vật lý bao gồm các tiêu chí về xây chuồng trại, hàng rào, khử trùng, phân tách khu vực bẩn và sạch... Biện pháp quản lý là biện pháp vật lý được triển khai thường xuyên và có tính hệ thống.

Hệ thống an toàn sinh học của mỗi trang trại cũng sẽ khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào quy mô, do đó cần tinh chỉnh cho phù hợp với từng trang trại. Các nguyên tắc an toàn sinh học tại trang trại bao gồm tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, tiếp xúc trực tiếp thông qua việc lây mầm bệnh từ động vật trang trại này sang trang trại khác. Tiếp xúc gián tiếp được thể hiện qua việc lây từ động vật sang con người, rồi từ con người lây trở lại động vật. Mặc dù dạng tiếp xúc gián tiếp khó lây lan hơn trực tiếp nhưng nếu tần suất diễn ra nhiều thì rủi ro cũng rất cao. Đơn cử, nếu con người, xe vận chuyển ra vào trang trại cao thì rủi do mầm bệnh lây lan cũng lớn theo.

Đặc biệt, TS Michelle Riblet nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hình thành văn hóa và thái độ của chủ và nhân viên trang trại đối với an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.

“Điều này (văn hóa bảo vệ an toàn sinh học) được xác định là yếu tố thành công trong một hệ thống an toàn sinh học có hiệu quả. Nếu chúng ta xây dựng biện pháp mà chỉ mang tính tuân thủ, không có văn hóa, thái độ đối với an toàn sinh học thì không thể triển khai trên thực thế.

Để xây dựng được điều này, các đối tượng tham gia phải hiểu rõ lợi ích của an toàn sinh học với trang trại, phải hiểu được mới có thể xây dựng được văn hóa,” bà Michelle Riblet nói.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ireland-cam-ket-thuc-day-hop-tac-nong-nghiep-voi-viet-nam-31657.html