Iskander-M của Nga uy lực cỡ nào?

Iskander- M là quân bài chiến thuật-chiến lược của Nga, vũ khí chủ chốt để Nga đối chọi với các lực lượng NATO hiện nay. Tuy nhiên, có thông tin nói một tên lửa Iskander-M đã bị quân Ukraine đánh chặn bằng biện pháp tác chiến điện tử làm dấy lên các nhận định về điểm yếu của loại tên lửa này.

Đêm 16/2, lực lượng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine, bao gồm trung tâm hậu cần, cầu huyết mạch, cơ sở năng lượng và sân bay. Một trong những mục tiêu chính là cầu liên hợp Zatoka nối thành phố Odessa với khu vực Budjak, đóng vai trò chiến lược trong việc vận chuyển vũ khí từ Romania vào Ukraine. Nga đã tấn công cây cầu bằng hai tên lửa đạn đạo Iskander-M. Tên lửa đầu tiên được cho là đã đánh trúng các cấu trúc hỗ trợ của nhịp cầu, gây hư hại kết cấu.

Theo kênh Telegram Iznanka, đánh giá ban đầu cho thấy khung cầu đã bị suy yếu và cần được khôi phục. Giao thông qua cầu Zatoka bị gián đoạn có thể làm chậm dòng chảy vũ khí và đạn dược từ các nước NATO tới tay quân đội Ukraine ở khu vực phía nam, đặc biệt là xung quanh Odessa.

Iskander-M là vũ khí đầy uy lực của quân đội Nga.

Iskander-M là vũ khí đầy uy lực của quân đội Nga.

Tuy nhiên, thông tin có lẽ khiến giới quan sát quân sự quan tâm hơn là việc lực lượng Ukraine đã sử dụng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa quả tên lửa Iskander-M thứ hai khiến nó phát nổ trước khi đánh trúng cây cầu. Đây không phải là lần đầu tiên Nga tấn công cầu Zatoka. Theo EA Times, ngày 31/10/2024, quân đội Nga đã phóng hai tên lửa đạn đạo Iskander-M từ Crimea, kết hợp với 8 tên lửa không đối đất Kh-59/69 phóng đi từ chiến đấu cơ, nhằm vào cây cầu. Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã đánh chặn hai trong số 8 tên lửa không đối đất đó. Tháng 2/2023, Nga sử dụng một tàu không người lái để tấn công cầu Zatoka.

Lộ gót chân Achilles?

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga được đánh giá là một trong những hệ thống vũ khí hiệu quả nhất trong cuộc chiến tại Ukraine. Quỹ đạo bay bán đạn đạo (kết hợp giữa đường bay đạn đạo và khả năng điều khiển quỹ đạo trong một phần hành trình) giúp nó khó bị radar phát hiện, trong khi tốc độ siêu thanh ở giai đoạn cuối làm giảm quỹ thời gian có thể phản ứng của hệ thống phòng không đối phương. Ngoài ra, tên lửa còn có khả năng thực hiện các động tác né tránh trong giai đoạn cuối, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.

Tháng 3/2023, phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ignat thừa nhận rằng hệ thống phòng không của nước này không thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga. Tháng 8/2024, tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, nói tỷ lệ quân đội nước này đánh chặn thành công các tên lửa đạn đạo Nga chỉ khoảng 4,5%. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp Ukraine tuyên bố đã đánh chặn thành công Iskander-M.

Ngày 20/12/2024, sau một cuộc không kích của Nga vào Kiev, lực lượng Ukraine khẳng định đã bắn hạ cả 5 tên lửa đạn đạo nhắm vào thủ đô. Tuy nhiên, đó là thông tin chưa được kiểm chứng. Nhưng liệu Iskander-M có điểm yếu không và nếu có thì đó là gì? Nhà phân tích quân sự Vijainder K Thakur, cựu phi công chiến đấu Ấn Độ, cho rằng đặc điểm bay của Iskander-M khiến nó cực kỳ khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không hiện có. Tuy nhiên, tên lửa này vẫn có điểm yếu tiềm ẩn, đó là hệ thống dẫn đường pha cuối bằng hình ảnh radar.

Iskander-M đời đầu có tầm bắn tối đa 500 km.

Iskander-M đời đầu có tầm bắn tối đa 500 km.

Iskander-M sử dụng kết hợp dẫn đường quán tính và vệ tinh để tiếp cận mục tiêu. Việc gây nhiễu các tín hiệu vệ tinh có thể làm suy giảm khả năng xác định vị trí của tên lửa, ảnh hưởng đến độ chính xác khi tấn công. Trong giai đoạn cuối, Iskander-M có thể sử dụng các phương pháp dẫn đường khác nhau. Thứ nhất là sử dụng hình ảnh radar hoặc hình ảnh quang học, so sánh với hình ảnh mục tiêu được nạp trước đó vào bộ điều khiển để điều chỉnh đường bay. Thứ hai là dẫn đường tần số vô tuyến thụ động: Nếu mục tiêu phát ra tín hiệu vô tuyến, tên lửa có thể theo dõi và tấn công.

Theo ông Thakur, đối phương có thể làm giảm độ chính xác của tên lửa khiến nó bắn trượt mục tiêu. “Nếu đầu dò đầu cuối bị kẹt hoặc mất hiệu lực, tên lửa sẽ mặc định sử dụng dẫn đường quán tính và SATNAV (định vị vệ tinh) để tấn công vào tọa độ đã biết cuối cùng của nó. Tuy nhiên, vì tín hiệu SATNAV thường bị kẹt trong khu vực mục tiêu trong một cuộc tấn công, nên việc vô hiệu hóa đầu dò đầu cuối sẽ làm giảm đáng kể độ chính xác”, cựu phi công chiến đấu Ấn Độ nói.

SATNAV mà ông Thakur đề cập, chỉ các hệ thống định vị vệ tinh (satellite navigation), giúp xác định vị trí, tốc độ và thời gian chính xác ở bất kỳ đâu trên Trái Đất. Các hệ thống này sử dụng tín hiệu từ các vệ tinh quay quanh Trái Đất để cung cấp thông tin định vị cho các thiết bị như điện thoại, ôtô, máy bay, tàu thủy và cả tên lửa. Thế giới hiện có 5 hệ thống SATNAV bao gồm GPS của Mỹ với 31 vệ tinh, độ phủ sóng toàn cầu, Nga có GLONASS với 24 vệ tinh, phủ sóng toàn cầu. Liên minh châu Âu có hệ thống Galilleo, Trung Quốc có BeiDou, đều phủ sóng toàn cầu. Nhật Bản có QZSS, tuy nhiên hệ thống này chỉ phủ sóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một trường hợp khác Iskander bộc lộ điểm yếu, là thời điểm ban đêm hoặc thời tiết xấu, theo ông Thakur. Vào những thời điểm này, đầu dò quang học của tên lửa trở nên không đáng tin cậy, buộc lực lượng Nga phải sử dụng đầu dò hình ảnh radar thay thế. Việc này khiến Iskander-M dễ bị nhiễu sóng vô tuyến, đặc biệt là cộng hưởng với sự gián đoạn của SATNAV, có khả năng làm giảm hiệu quả của tên lửa, nói cách khác là khiến tên lửa “quáng gà”.

Cây cầu Zatoka.

Cây cầu Zatoka.

Ukraine có thể sử dụng các biện pháp gây nhiễu chủ động, phát tín hiệu để làm nhiễu loạn hệ thống radar của Iskander-M hoặc triển khai các mồi nhử, mục tiêu giả nhằm đánh lừa tên lửa. Tuy nhiên, tác chiến điện tử (EW) là một cuộc đấu trí liên tục và cả hai bên liên tục điều chỉnh chiến thuật của mình nên một phương pháp gây nhiễu hôm nay tỏ ra hiệu quả thì ngày mai rất có thể đã trở nên vô dụng.

Iskander-M có khả năng thực hiện các động tác né tránh ở giai đoạn cuối, gây khó khăn cho các hệ thống gây nhiễu của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine có thể khắc phục một phần bằng cách tăng cường công suất tín hiệu gây nhiễu. Dù vậy, cựu phi công Thakur cho rằng tác chiến điện tử hiệu quả đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm máy phát công suất cao, thiết bị chuyên dụng và nhân sự được đào tạo bài bản. Những yếu tố này không dễ để Ukraine duy trì trong điều kiện chiến tranh hiện nay.

Tuy nhiên, Kiev vẫn còn đó sự hỗ trợ từ NATO. Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phương Tây trong lĩnh vực tác chiến điện tử, tiếp cận nhiều thiết bị tiên tiến. Gần đây, tập đoàn quốc phòng Pháp Thales và tập đoàn quốc phòng Ukroboronprom của Ukraine đã thành lập một liên doanh tại Ukraine nhằm phát triển các công nghệ phòng không, radar, tác chiến điện tử và hệ thống quang điện tử.

Iskander-M phiên bản mới

Mặc dù có thông tin về việc Ukraine đánh chặn thành công một số tên lửa Iskander-M, nhưng hiệu quả và uy lực của loại tên lửa này không vì thế mà giảm sút. Iskander- M trước mắt vẫn là “cơn đau đầu” của các tướng lĩnh phòng không Ukraine và phương Tây. Trong khi đó, đã có tin nói Nga sẽ cho xuất xưởng một phiên bản Iskander-M mới, có thể uy lực, hiệu quả hơn nữa.

Theo MilitaryWatch, Nga đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt một phiên bản mới của hệ thống Iskander-M, mặc dù tên gọi chính thức chưa được xác nhận. Phiên bản mới dự kiến có tầm bắn gấp đôi so với bản gốc (từ 500 km lên 1.000 km) nhờ sử dụng động cơ cải tiến và tăng 15% khả năng chứa nhiên liệu.

Dấu hiệu đầu tiên về việc phát triển loại tên lửa này xuất hiện vào tháng 5/2024 trong một video kỷ niệm 78 năm ngày thành lập bãi thử tên lửa Kapustin Yar. Các nguồn tin Nga suy đoán rằng tên lửa này sẽ được triển khai tại vùng Kaliningrad, nơi có thể đe dọa các mục tiêu trên khắp Trung và Tây Âu.

Nga coi Iskander-M là vũ khí chủ chốt để đối phó với lực lượng NATO có quy mô lớn hơn nhiều. Sự kết hợp giữa tính cơ động cao, độ chính xác, quỹ đạo phức tạp và khả năng mang nhiều loại đầu đạn khiến Iskander-M trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga.

Hệ thống phòng không Patriot.

Hệ thống phòng không Patriot.

Trước đây, phiên bản Iskander-M bị giới hạn tầm bắn 500 km do Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này dưới thời chính quyền Donald Trump, Nga không còn bị ràng buộc. Vì vậy, phiên bản mới có tầm bắn xa hơn nhiều khả năng sẽ kế thừa các tính năng ưu việt của bản gốc nhưng với sức mạnh vượt trội.

Nga bắt đầu đưa tên lửa chiến thuật tầm xa vào sử dụng từ cuối năm 2023. Sau đó, tháng 11/2024, Nga công bố lớp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa đầu tiên của mình là Oreshnik với tầm bắn 4.000 km, mang nhiều đầu đạn. Việc giới thiệu một biến thể Iskander-M với tầm bắn được nâng lên sẽ lấp đầy một vị trí quan trọng trong kho vũ khí của Nga, khoảng trống giữa tầm bắn của Iskander-M ban đầu và Oreshnik. Iskander-M đời đầu là một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn hiện đại và mạnh mẽ của quân đội Nga, ra mắt vào giữa những năm 2000 và được đưa vào trang bị vào năm 2006. Tầm bắn của Iskander-M đời đầu dao động từ 50 km đến 500 km, khiến nó trở thành hệ thống tên lửa tầm ngắn rất linh hoạt và nguy hiểm trong các chiến dịch quân sự.

Iskander-M đã nhiều lần được sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng trong Chiến tranh Nga-Ukraine. Chúng thường được dùng với mục tiêu chế áp phòng không, nhằm vào các hệ thống phòng không Patriot của Ukraine, cùng với các tên lửa đất đối không.

Theo Military Watch, ngày 25/7/2024, quân đội Nga đã sử dụng Iskander - M để tấn công các vị trí của các chiến binh nước ngoài có trong lực lượng Ukraine và Lữ đoàn cơ giới số 151 của quân đội Ukraine tại Kharkiv, làm thiệt mạng khoảng 100 quân nhân, trong đó có khoảng 40 người phương Tây và 60 người Ukraine. Trước đó, một cuộc tấn công bằng Iskander-M vào ngày 23/6/2024 đã khiến khoảng 50 chiến binh nước ngoài trong lực lượng Ukraine tử vong.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/iskander-m-cua-nga-uy-luc-co-nao--i759856/