Israel bật đèn xanh cho chiến dịch quân sự ở Gaza và phản ứng của quốc tế
Quân đội Israel ngày 20/10 đã bật đèn xanh cho chiến dịch quân sự trên bộ tại dải Gaza. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này, đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột Hamas – Israel ngừng các hành động leo thang căng thẳng.
Lý giải về việc Israel có thể sẽ thực hiện chiên dịch quân sự trên bộ tại dải Gaza, trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat ngày 20/10 cho biết, Chính phủ Israel quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những con tin Israel đang bị lực lượng Hamas bắt giữ. Do đó, mục đích cao nhất của chiến dịch trên bộ tại dải Gaza chính là nhằm loại bỏ lực lượng Hamas.
"Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của người dân Israel. Chúng tôi cũng quan tâm đến số phận của các con tin và binh sĩ. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì để bảo vệ họ Và đây cũng là một trong những mục đích của chiến dịch trên bộ. Ưu tiên cao nhất là xóa bỏ lực lượng Hamas. Đàm phán với Hamas để đổi lấy con tin là vị thế yếu. Chúng tôi cần phải làm điều này ở vị thế mạnh mẽ hơn", ông Barkat nói.
Ngay sau khi lực lượng Hamas tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel, Chính phủ nước này đã để ngỏ khả năng mở chiến dịch quân sự trên bộ tại dải Gaza. Kế hoạch quân sự này được cho sẽ dẫn đến một cuộc di dân khổng lồ sang các nước láng giềng và gây hậu quả lớn về mặt nhân đạo cũng như tổn thất nghiêm trọng về dân sự.
Trước thực tế này, lãnh đạo của nhiều nước hôm qua tiếp tục kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột Hamas – Israel ngừng các hành động leo thang căng thẳng và chấm dứt xung đột.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nhấn mạnh Ai Cập sẽ không cho phép một cuộc di dân từ Dải Gaza sang Bán đảo Sinai vì đây sẽ là một cuộc di cư nguy hiểm, có thể chấm dứt sự nghiệp đấu tranh của người Palestine, đồng thời khẳng định, Ai Cập mong muốn nguy cơ này không trở thành hiện thực.
Chúng ta cần điều phối để không rơi vào chiến tranh khu vực. Điều này có thể tác động đến an ninh và hòa bình của toàn khu vực. Một trong những bài học chúng ta có thể rút là là phải khôi phục tiến trình hòa bình và cho phép người dân Palestine xây dựng nhà nước ở đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Trong khi đó, trên một tuyên bố trên mạng xã hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan kêu gọi Israel ngừng tấn công dải Gaza và thúc giục cộng đồng quốc tế phối hợp để các bên liên quan có thể đi tới một lệnh ngừng bắn nhân đạo trong khu vực. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, các bên cần chấm dứt những hành động leo thang căng thẳng trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm qua có cuộc điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf về tình hình nhân đạo ở Gaza và các cuộc tấn công gần đây vào dải đất này. Trong cuộc điện đàm, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nói rõ, trong hoàn cảnh hiện nay, ưu tiên cấp bách phải là ngăn chặn xung đột và gửi hàng cứu trợ đến các khu vực bị phong tỏa. Ông cũng kêu gọi tăng cường tham vấn ngoại giao giữa các nước Hồi giáo về những vấn đề này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Algeria nêu nguyên nhân gốc rễ dẫn tới xung đột hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas. Đó là việc không thành lập được một nhà nước độc lập cho người Palestine. Ông kêu gọi chấm dứt bạo lực chống lại người Palestine vô tội và gửi viện trợ tới dải Gaza càng sớm càng tốt.
Căng thẳng Israel – Hamas bùng phát từ hôm 7/10 với các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai bên và sau đó cả căng thẳng ở biên giới giữa Israel và Lebanon, nơi có lực lượng Hezbollah. Theo thống kê mới nhất tính đến hôm qua có ít nhất đã có 4 nghìn 137 người Palestine thiệt mạng và 13 nghìn người bị thương do các cuộc tấn công nhằm vào dải Gaza. Phía Israel cũng có hàng trăm người thương vong. Chưa kể tới những thiệt hại vật chất ở cả hai bên do nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, trong đó có cả bệnh viện, trường học…