Israel bí mật 'bật đèn xanh' để Mỹ bán vũ khí cho UAE
Truyền thông Mỹ đưa tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bí mật 'bật đèn xanh' cho thương vụ bán vũ khí giữa Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hồi tháng 8, Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu đã công bố thông báo cho biết, thỏa thuận hòa bình Israel-UAE không bao gồm việc Israel đồng thuận với kế hoạch chuyển giao vũ khí Mỹ cho Abu Dhabi. Thủ tướng Netanyahu được cho là phản đối việc Mỹ chuyển giao các máy bay tiêm kích F-35 và những vũ khí hiện đại khác cho các quốc gia Arab, trong đó có cả quốc gia đã ký thỏa thuận hòa bình với Nhà nước Do Thái là UAE.
Thế nhưng, báo New York Times chiều 3-9 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, thông tin trên là không chính xác. Theo các nguồn tin này, ông Netanyahu đã rút lại những lời phàn nàn về thỏa thuận vũ khí tiềm năng này sau cuộc hội đàm hồi tuần trước với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Jerusalem. Mỹ được cho là muốn bán máy bay chiến đấu điện tử EA-18G Growler cho UAE.
Kể từ chiến tranh Arab-Israel (năm 1973) cho đến nay, Mỹ luôn duy trì chính sách nhất quán trong việc bảo vệ Nhà nước Do Thái trước các mối đe dọa từ liên minh Arab, một trong số đó là bảo đảm Tel Aviv luôn có lợi thế quân sự về chất lượng trước các nước láng giềng trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả với các đồng minh thân cận của Washington ở Trung Đông như Saudi Arabia hay UAE cũng khó có thể sở hữu những loại vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đã khiến Washington buộc phải có những bước thay đổi trong chính sách đối với khu vực này. Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab là một trong những bước đi chiến lược mới của Mỹ nhằm tập hợp một liên minh có thể kiềm chế Iran cũng như tăng cường và bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Trong khi đó, việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab đem lại lợi ích không nhỏ cho Israel trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế quốc gia này rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Chính quyền của Thủ tướng Netanyahu cũng có thể dựa vào bước tiến ngoại giao này để củng cố bảng thành tích của mình.
Với những lợi ích kể trên, không khó để hiểu tại sao Israel bên ngoài thì phản đối, nhưng bên trong lại âm thầm “gật đầu” để Mỹ bán vũ khí cho UAE như một phương thức để chứng minh lợi ích của việc bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.
Theo giới quan sát, cái gật đầu của Israel sẽ tăng khả năng Washington nới lỏng cam kết bảo đảm ưu thế quân sự về chất lượng của Tel Aviv và bán những vũ khí tiên tiến, trong đó có thể bao gồm cả máy bay chiến đấu F-35 cho UAE. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất nhiều năm và có thể dễ dàng bị đảo ngược bởi một chính quyền trong tương lai.
Thêm nữa, việc Israel chấp thuận để UAE sở hữu vũ khí hiện đại của Mỹ cũng chưa hẳn đã khiến nước này mất lợi thế quân sự về chất trước các nước láng giềng. Nên nhớ rằng, Tel Aviv đã được Washington ưu ái chế tạo hẳn một biến thể F-35 riêng là F-35 "Adir" với nhiều tính năng vượt trội. Cũng có khả năng Israel sẽ âm thầm can thiệp vào hợp đồng bán vũ khí giữa Mỹ và UAE để bảo đảm rằng những vũ khí hiện đại được chuyển giao cho Abu Dhabi sẽ không mạnh hơn những loại mà Tel Aviv đang sở hữu.