Israel cảnh báo chi tiêu quốc phòng tăng mạnh ảnh hưởng đến ổn định tài chính quốc gia

Phóng viên TTXVN tại Israel dẫn cảnh báo từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách Taub, có trụ sở tại Jerusalem, công bố ngày 8-7 cho biết, chi tiêu quốc phòng của Israel có khả năng tăng mạnh trong thập kỷ tới nhằm đáp ứng các nhu cầu an ninh đang ngày càng gia tăng, đe dọa đến sự ổn định tài chính và ngân sách của nước này.

Giáo sư Avi Weiss, Chủ tịch Trung tâm Taub và là giáo sư kinh tế tại Đại học Bar-Ilan, cho biết hiện tại chưa có nguồn ngân sách cụ thể nào được xác định để đáp ứng phần chi tiêu tăng thêm này và không rõ nguồn tài trợ sẽ đến từ đâu. Khả năng cao là sẽ phải tài trợ thông qua việc gia tăng thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP, điều này có thể phá vỡ sự ổn định tài khóa của Israel.

Ông Weiss giải thích rằng thâm hụt lớn hơn có thể dẫn đến việc tăng thuế - như thuế giá trị gia tăng (VAT), vốn tác động mạnh đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất - vì chính phủ sẽ cần tăng thu để bù đắp cho nợ công tăng cao. Thêm vào đó, thâm hụt gia tăng cũng đe dọa làm suy giảm xếp hạng tín nhiệm quốc gia, từ đó làm chi phí vay mượn trở nên đắt đỏ hơn.

Theo báo cáo của Trung tâm Taub, cuộc chiến kéo dài với Hamas đã khiến chi tiêu quốc phòng của Israel tăng gấp đôi. Chi tiêu quốc phòng đã tăng khoảng 1% GDP vào năm 2023 và thêm 4% GDP vào năm 2024, tương đương mức tăng trực tiếp khoảng 100 tỷ shekel (29,8 tỷ USD) trong 2 năm này. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ cho các dịch vụ dân sự hầu như không thay đổi trong các năm 2022, 2023 và 2024.

Cuộc chiến tranh kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran đã kết thúc bằng lệnh ngừng bắn vào ngày 24-6 vừa qua, nhưng theo ông Weiss, chi phí khổng lồ của cuộc chiến, thiệt hại trực tiếp nặng nề và chi phí bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn lên ngân sách. Ước tính cuộc chiến đã khiến chi tiêu quốc phòng của Israel trong tháng 6 tăng thêm từ 10-20 tỷ shekel. Ngoài ra, chi phí bồi thường hàng tháng cho nạn nhân xung đột cũng tăng mạnh - từ mức trung bình 51 triệu shekel trong 5 năm trước chiến tranh lên 261 triệu shekel vào tháng 2-2025.

Từ năm 2026, Ủy ban Nagel - được thành lập để xem xét ngân sách quốc phòng và cấu trúc lực lượng quân đội Israel - khuyến nghị tăng ngân sách quốc phòng thêm từ 9-15 tỷ shekel mỗi năm, tương đương tổng cộng 133 tỷ shekel trong thập kỷ tới.

Trong diễn biến liên quan, Moody’s, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu có trụ sở tại New York (Mỹ), vừa quyết định duy trì triển vọng tiêu cực đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Israel, cảnh báo về “chi tiêu quốc phòng tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu” trong bối cảnh lệnh ngừng bắn được đánh giá là “mong manh” với Iran.

Moody’s nhận định: “Những tác động từ các rủi ro này đối với triển vọng tài khóa và kinh tế của Israel có thể nghiêm trọng hơn so với đánh giá hiện tại của chúng tôi. Việc Israel bước vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Iran gần đây sẽ tạo thêm áp lực lên tài chính công của nước này”.

Hiện tại, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Baa1 của Israel, dẫn lý do vị thế tài khóa của quốc gia này đã suy yếu đáng kể kể từ khi xung đột với Hamas bùng phát ở Dải Gaza vào ngày 7-10-2023.

Dự báo của Moody’s cho thấy kinh tế Israel sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2025 và 4,5% vào năm 2026 - thấp hơn so với dự báo mới điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương Israel đưa ra hôm 7-7 là 3,3% năm 2025 và 4,6% năm 2026.

TTXVN

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-gioi/202507/israel-canh-bao-chi-tieu-quoc-phong-tang-manh-anh-huong-den-on-dinh-tai-chinh-quoc-gia-03911a1/