Israel đe dọa tấn công Iran sau cuộc bầu cử Tổng thống

Các quan chức Israel đã cảnh báo rằng chiến thắng của ông Ebrahim Raisi trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran khiến họ 'không có lựa chọn nào khác' ngoài việc tấn công chương trình hạt nhân của Iran, Kênh 12 của Israel đưa tin, trích dẫn một nguồn tin chính phủ cấp cao.

Ảnh: AFP

Bài liên quan

Đông Nam Á tận dụng công nghệ của Israel để cải thiện kỹ thuật canh tác

Israel không kích lần thứ hai vào Dải Gaza sau cuộc chiến 11 ngày

Xung đột Israel-Gaza bùng phát lần đầu tiên kể từ cuộc giao tranh 11 ngày

Naftali Bennett trở thành Thủ tướng mới của Israel, thay ông Netanyahu

"Cuộc tấn công sẽ đòi hỏi ngân sách và phân bổ lại các nguồn lực", nguồn tin của đài nói thêm rằng các quan chức an ninh Israel tin rằng ông Raisi sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại và hạt nhân do Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thúc đẩy.

Trước đó, Israel cho biết cộng đồng quốc tế nên có những lo ngại nghiêm trọng về việc ông Ebrahim Raisi trở thành Tổng thống của Iran. Một số quan chức cấp cao của Israel đã chỉ trích gay gắt việc ổn Raisi đắc cử, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Yair Lapid mô tả ông Raisi là "kẻ cực đoan chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn người Iran".

Ông Lapid viết trong một tuyên bố trên Twitter rằng: “Cuộc bầu cử Iran sẽ thúc đẩy những quyết tâm mới nhằm chất dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân của Iran và chấm dứt tham vọng phá hoại khu vực của nước này”.

Israel và Iran đã có một mối quan hệ căng thẳng kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Tehran. Vào thời điểm đó, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Khomeini đã áp dụng lập trường chống Israel sắc bén và cắt đứt mọi quan hệ với nước láng giềng. Trong những năm qua, cả hai bên đã có những hành động ăn miếng trả miếng, nhưng tránh xung đột quân sự trực tiếp.

Quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi do chương trình hạt nhân của Iran, mà Israel coi là mối đe dọa hiện hữu. Năm 2015, Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đã ký Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và một lệnh cấm vận vũ khí.

Israel phản đối mạnh mẽ JCPOA, với việc cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu của nước này cho rằng thỏa thuận này "không chặn con đường phát triển bom hạt nhân của Iran".

Ông Donald Trump cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận này và đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định bất chấp những cảnh báo và chỉ trích từ các bên. Ngay khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bày tỏ ý định gia nhập lại JCPOA.

Các phương tiện truyền thông Israel kể từ đó đã đưa tin rằng Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ dẫn đầu phái đoàn của nước này tới Washington, nơi sẽ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cảnh báo rằng ông đang xem xét các lựa chọn liên quan đến những nỗ lực của Tel Aviv nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran từ lâu đã khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Nhiều người tin rằng bản thân Israel sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nước này vẫn duy trì chính sách mập mờ, không thừa nhận cũng không phủ nhận việc trở thành một quốc gia hạt nhân.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/israel-de-doa-tan-cong-iran-sau-cuoc-bau-cu-tong-thong-post140131.html