Israel đưa xe tăng vào tấn công Rafah, bất chấp lời kêu gọi dừng lại của quốc tế
Cơ quan y tế Gaza hôm thứ Ba (28/5) cho biết pháo kích của xe tăng Israel đã tiếp tục tấn công khu vực ở Rafah mà Israel đã chỉ định là nơi an toàn đối với người di tản Palestine, khiến 21 người ở đó thiệt mạng.
Trước đó, bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (IJC), xe tăng của Israel đã lần đầu tiên tiến tới trung tâm Rafah sau khi oanh tạc dự dội khu vực này, trong đó có vụ tấn công khiến 45 người thiệt mạng trong một khu lều trại sơ tán, khiến cộng đồng quốc tế lên án.
"Hơn cả bi thảm"
Sự bất bình của quốc tế về cuộc tấn công Rafah đã kéo dài ba tuần của Israel đã chuyển sang phẫn nộ sau khi cuộc tấn công hôm Chủ nhật gây ra vụ cháy tại một khu lều trại ở phía tây thành phố, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, nhắc lại sự phản đối của mình đối với một cuộc tấn công lớn trên bộ của Israel ở Rafah. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói: "Từ bi thảm thậm chí không thể diễn tả hết" những gì đã xảy ra hôm Chủ nhật.
Cơ quan khẩn cấp của Gaza cho biết 4 quả đạn xe tăng hôm thứ Ba đã bắn trúng một cụm lều ở Al-Mawasi, một dải ven biển mà Israel chỉ định là khu vực nhân đạo mở rộng, nơi họ khuyên dân thường ở Rafah nên đi đến để được an toàn.
Tại trung tâm Rafah, xe tăng và xe bọc thép gắn súng máy được phát hiện gần nhà thờ Hồi giáo Al-Awda, theo các nhân chứng nói với Reuters vào thứ Ba. Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ tiếp tục hoạt động ở khu vực Rafah, nhưng không đề cập đến việc tiến quân được báo cáo vào trung tâm thành phố này.
Israel cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào hai chỉ huy cấp cao của Hamas và không có ý định gây thương vong cho dân thường. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết tổn hại đối với dân thường do "có điều gì đó không may xảy ra một cách bi thảm".
Các nhà lãnh đạo toàn cầu bày tỏ sự kinh hoàng trước vụ tấn công và hỏa hoạn tại khu vực nhân đạo được chỉ định ở Rafah, nơi các gia đình phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh ở nơi khác đã tìm nơi trú ẩn và họ kêu gọi thực thi lệnh của Tòa án Thế giới vào tuần trước về việc dừng cuộc tấn công của Israel.
Cơ hội hòa bình mong manh
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp kín hôm thứ Ba về những diễn biến mới nhất ở Rafah. Chính quyền Biden hôm thứ Ba cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra về cuộc không kích hôm Chủ nhật.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết các vụ việc xảy ra hôm Chủ nhật hoặc hôm thứ Ba sẽ không khiến Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Israel.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã thêm tiếng nói của mình vào làn sóng lên án cuộc tấn công hôm Chủ nhật và một lần nữa kêu gọi Israel cho phép "cung cấp hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức, an toàn và không bị cản trở cho những người cần giúp đỡ".
Hai quan chức Mỹ cho biết, trong một đòn giáng mạnh hơn vào các nỗ lực viện trợ, một phần bến tàu của quân đội Mỹ ngoài khơi bờ biển Gaza đã bị vỡ, có thể do thời tiết xấu, khiến nó tạm thời ngừng hoạt động.
Ả Rập Xê Út - quốc gia đang đàm phán để bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi chiến tranh ở Gaza nổ ra - hôm thứ Ba đã cáo buộc Israel thực hiện "các vụ thảm sát diệt chủng" bằng cách nhắm vào các lều của người Palestine ở Rafah, nói rằng Israel phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Kênh truyền hình Al-Qahera News của Cairo trích dẫn phát biểu của một quan chức cấp cao cho biết Ai Cập một lần nữa đang cố gắng cùng với Qatar và Mỹ khôi phục các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza, nhưng các nỗ lực này đã bị cản trở bởi cuộc tấn công của Israel vào Rafah.
Israel cho biết họ muốn "nhổ tận gốc" các chiến binh Hamas đang ẩn náu ở Rafah và giải cứu các con tin mà họ cho là đang bị giam giữ trong khu vực này.
Huy Hoàng (theo Reuters)