Israel gặp khó với Jordan: Khác người, khác thời
Quốc vương Jordan Abdullah không gia hạn thỏa thuận cho Israel thuê đất ký năm 1994. Sự tương phản giữa hiện tại và 25 năm trước phản ánh thực trạng hiện nay của quan hệ Israel - Jordan. Và xa hơn thế nữa. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Quốc vương Jordan Abdullah: "Jordan hiện thực thi chủ quyền quốc gia hoàn toàn đối với từng centimet lãnh thổ đất nước". (Nguồn: AFP)
Những dấu hiệu đã có từ trước, nhưng chính thức thì giai đoạn mới trong quan hệ Israel - Jordan chỉ bắt đầu khi thỏa thuận giữa hai bên về Israel thuê 2 vùng đất của Jordan từ năm 1994 không còn hiệu lực nữa. Quốc vương Jordan Abdullah đã tuyên cáo việc không gia hạn hiệu lực của thỏa thuận này nữa từ cách đây khá lâu.
Những người nông dân Israel canh tác ở hai vùng đất này vẫn còn được thu hoạch mùa màng ở đây cho tới tháng 5/2020 nhưng không còn được tự do đi lại trực tiếp tại đây như trong suốt 25 năm qua nữa mà từ nay phải cần có thị thực nhập cảnh vào Jordan và phải nhập cảnh ở cửa khẩu biên giới chính thức.
Quốc vương Abdullah đã trịnh trọng tuyên cáo với thần dân trong vương quốc của mình là "Jordan hiện thực thi chủ quyền quốc gia hoàn toàn đối với từng centimet lãnh thổ đất nước".
Nhìn lại câu chuyện lịch sử 25 năm
Sự tương phản giữa hiện tại và cách đây 25 năm phản ánh thực trạng hiện tại trong mối quan hệ giữa Israel và Jordan. Ngày 26/10/1994, Thủ tướng Israel Itzak Rabin và Quốc vương Jordan Hussein, cha của vị vua hiện tại, đã ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước ở sa mạc Arava. Sau với Ai Cập, đây là hòa ước thứ hai mà Israel có được cho đến nay với các nước láng giềng.
Ai cũng biết là Quốc vương Hussein đã phải nhượng bộ rất đáng kể cho Israel để cứu vãn hòa ước kia và một trong những nhượng bộ ấy là thỏa thuận cho Israel thuê hai vùng đất. Israel muốn có thêm đất đai cho người Israel canh tác, nhưng mục đích chính và còn chiến lược hơn thế nữa đối với Israel là ràng buộc Jordan vào hòa ước thông qua việc tạo dựng trên thực tế một tình trạng tuy luôn tỏ ra bình thường nhưng bất cứ khi nào cũng đều có thể nhanh chóng trở thành rủi ro an ninh đối với Jordan.
Hiệp ước Trại David năm 1979 với Ai Cập và Hiệp ước Sa mạc Arava năm 1994 với Jordan đã làm thay đổi cơ bản môi trường chính trị an ninh đối với Israel, gây phân rẽ sâu sắc trong thế giới Arab và làm rạn vỡ tình đoàn kết và sự ủng hộ của các nước Arab dành cho Palestine. Nhưng vào dịp 25 năm ngày ký kết Hiệp ước hòa bình, cả Israel lẫn Jordan đều không hề có bất kỳ hình thức kỷ niệm nào mà lại có chuyện phía Jordan không đồng ý gia hạn thỏa thuận về cho Israel thuê hai vùng lãnh thổ.
Quan hệ không bình thường, tại sao?
Thực tế ấy cho thấy mối quan hệ giữa hai nước này hiện không được bình thường, càng không thể nói được là tốt đẹp. Hòa ước giữa hai nước này không đưa lại kết quả cho hai bên như hòa ước giữa Ai Cập và Israel đối với Ai Cập và Israel. Nguyên do nằm ở phía Israel nhiều hơn là ở phía Jordan, mà cụ thể có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, trong hòa ước ấy có ghi rõ sự xác nhận quyền quản lý trên thực tế của Jordan đối với Jerusalem phù hợp với quy chế chung của Liên hợp quốc dành cho Jerusalem. Nhưng rồi Israel đã đánh chiếm vùng phía Tây của thành phố này và thậm chí còn coi cả thành phố này là thủ đô của Israel, tức là thuộc hết về Israel.
Thứ hai, Jordan ký kết hòa ước này với Israel năm xưa trong cả kỳ vọng là Israel và Palestine cùng nhau đạt được hòa ước có nội dung là thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại trong hòa bình với Israel. Nhưng rồi cho đến hiện tại, phía Israel vẫn tiếp tục ngăn cản giải pháp hòa bình nói trên.
Thứ ba, Israel nhiều lần đánh chiếm và thôn tính lãnh thổ của láng giềng bất chấp luật pháp quốc tế, động chạm trực tiếp đến lợi ích của Jordan ở Jerusalem và khiến Jordan lo ngại sâu sắc về nguy cơ đối với hai vùng đất kia.
Áp lực từ nội bộ
Phía Jordan dẫu có không muốn thì đến lúc này cũng vẫn phải nhận ra rằng hòa ước khi xưa với Israel không những không đáp ứng được kỳ vọng và mong đợi của họ mà còn lợi bất cập hại và trở thành một rủi ro an ninh nghiêm trọng đối với Jordan.
Quốc vương Abdullah hiện tại gặp nhiều khó khăn và thách thức trong nội bộ hơn cha mình ở thời trước. Vị quân vương mới phải lưu ý nhiều hơn tới tâm lý của thần dân không hài lòng về Isrsel và phải ứng phó rất cẩn trọng để kiểm soát được tình hình sao cho dẫu vương quốc này không được thật sự hữu hảo với Israel thì cũng không bùng phát xung khắc với Israel.
Israel từ khá lâu chìm đắm trong khủng hoảng chính trị xã hội. Động thái mới này từ phía Jordan phản ánh môi trường chính trị an ninh của Israel ở khu vực này tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng bất lợi cho Israel. Người khác và thời khác ở Jordan cũng như ở nhiều nơi khác nữa trong khu vực và trong thế giới Arab đang đưa lại những tác động ngày càng sâu sắc hơn và trực tiếp hơn tới Israel.
Dịch Dung
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-gap-kho-voi-jordan-khac-nguoi-khac-thoi-104310.html