Israel - Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn sau 11 ngày giao tranh
Hôm 21-5, Reuters đưa tin một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine đã bắt đầu có hiệu lực vào đầu ngày nhưng Hamas cảnh báo rằng họ vẫn có thể tấn công trở lại và yêu cầu Israel chấm dứt bạo lực ở Jerusalem và giải quyết những thiệt hại ở dải Gaza sau cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Các cuộc không kích vào khu vực đông dân cư đã khiến 232 người Palestine tử vong, trong khi các cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết 12 người ở Israel trong cuộc xung đột.
Người Palestine, nhiều người đã trải qua 11 ngày sống trong lo sợ bị Israel pháo kích trúng đã đổ ra đường phố ở Gaza để ăn mừng.
Trong thời gian đếm ngược đến 2 giờ sáng (giờ địa phương), các vụ phóng tên lửa của Palestine vẫn tiếp tục và Israel đã thực hiện ít nhất một cuộc không kích đáp trả.
Mỗi bên cho biết họ sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nào của bên kia. Cairo cho biết họ sẽ cử hai phái đoàn tới giám sát lệnh ngừng bắn.
Bạo lực bùng phát vào ngày 10-5 do người Palestine tức giận trước những gì họ xem là Israel kiềm chế các quyền của họ ở Jerusalem, bao gồm cả trong cuộc đối đầu của cảnh sát với người biểu tình tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong tháng ăn chay Ramadan.
Các quan chức y tế Gaza cho biết 232 người Palestine, trong đó có 65 trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương trong các cuộc không kích. Israel cho biết họ đã giết ít nhất 160 chiến binh.
Các nhà chức trách đưa ra con số thiệt mạng ở Israel là 12 người, với hàng trăm người được điều trị vết thương trong các vụ tấn công bằng tên lửa gây hoảng loạn và khiến mọi người phải tìm hầm trú ẩn.
Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo cai trị Gaza, coi cuộc giao tranh như một cuộc kháng cự thành công trước một kẻ thù mạnh hơn về mặt quân sự và kinh tế.
"Đúng là trận chiến kết thúc ngày hôm nay nhưng (Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu) và cả thế giới nên biết rằng bàn tay của chúng tôi liền kề họng súng và chúng tôi sẽ tiếp tục khả năng theo đuổi cuộc kháng chiến này" - Ezzat El-Reshiq, một quan chức cấp cao Hamas nói.
Ông nói với Reuters tại Doha rằng các yêu cầu của phong trào cũng bao gồm việc bảo vệ nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem và chấm dứt việc trục xuất một số người Palestine khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem mà Reshiq mô tả là "lằn ranh đỏ".
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 20-5, tổng thống Mỹ Joe Biden gửi lời chia buồn tới người Israel và người Palestine, đồng thời cho biết Washington sẽ làm việc với Liên Hợp Quốc "và các bên liên quan quốc tế khác để cung cấp hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng" cho Gaza và cho quá trình tái thiết của nó.
Ông Biden cho biết viện trợ sẽ được phối hợp với chính quyền Palestine - do đối thủ của Hamas là Tổng thống Mahmoud Abbas điều hành - "theo cách không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự của mình".
Các nhà phân tích nhận thấy mục tiêu chính trong chiến dịch tên lửa của Hamas là loại bỏ Abbas bằng cách thể hiện mình là người bảo vệ người Palestine ở Jerusalem, khu vực phía đông mà họ tìm kiếm một nhà nước trong tương lai.