Israel-Hamas sắp ngừng bắn?

Sau bầu cử Mỹ và loạt diễn biến nóng tại Trung Đông, quá trình đàm phán ngừng bắn Israel-Hamas xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực khi Hamas có tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ.

Hôm 17-12, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas cho biết "các cuộc đàm phán nghiêm túc và tích cực" đang diễn ra nhằm mục tiêu đạt được thỏa thuận giữa họ với Israel về việc chấm dứt xung đột ở Gaza và giải cứu những con tin còn lại bị giam tại dải đất này.

Các quan chức từ các quốc gia tham gia quá trình đàm phán cho biết cả Israel và Hamas dường như đang có dấu hiệu tiến gần đến thỏa thuận ngừng bắn.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần tạm dừng giao tranh đầu tiên kể từ tháng 11-2023. Vào thời điểm đó, Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn trong một tuần, nhằm trao đổi 105 con tin bị Hamas bắt, theo tờ The New York Times.

Và cũng từ đó đến nay, quá trình đàm phán liên tục diễn ra, hy vọng về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng liên tục được dâng cao và liên tục bị dập tắt, chủ yếu là do các bên tham gia đàm phán chưa có nhiều thiện chí.

 Dải Gaza hoang tàn sau hơn 1 năm xung đột. Ảnh: AFP

Dải Gaza hoang tàn sau hơn 1 năm xung đột. Ảnh: AFP

Dấu hiệu mới

So với các cuộc đàm phán trước đây, cả Israel và Hamas nhìn chung đều kiềm chế không tiết lộ thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán lần này cho giới truyền thông. Một số nhà phân tích cho biết họ tin rằng điều này là dấu hiệu cho thấy Israel và Hamas nghiêm túc hơn trong cuộc đàm phán ngừng bắn lần này.

Theo một số nguồn tin, các bên trung gian đã đề xuất thỏa ngừng bắn bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Trong giai đoạn này, Hamas sẽ thả một số trong số khoảng 100 con tin vẫn bị giam ở Gaza để đổi lấy việc Israel trả tự do cho những người Palestine bị giam giữ.

Các bên trung gian Qatar, Ai Cập và Mỹ hy vọng lệnh ngừng bắn ban đầu sẽ tiếp tục được phát triển thành lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Về phía Israel, nước này yêu cầu phần lớn lực lượng của họ được ở lại các khu vực chủ chốt của Gaza. Khu vực đầu là tại hành lang Netzarim, qua trung tâm Gaza, chia cắt các phần phía bắc và phía nam của dải đất này và khu vực còn lại được gọi là hành lang Philadelphi, dọc theo biên giới giữa Gaza với Ai Cập.

Trong khi đó, Hamas trước đây yêu cầu Israel nhanh chóng và hoàn toàn rút quân khỏi Gaza. Nhưng theo một số nguồn tin của The New York Times, nhóm này hiện sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện kéo dài của Israel ở một số phần của hai hành lang này, miễn là Israel cuối cùng sẽ rút quân.

 Những người kêu gọi chính phủ Israel tìm cách giải cứu các tin bị Hamas bắt, tại Tel Aviv (Israel) vào tháng 10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những người kêu gọi chính phủ Israel tìm cách giải cứu các tin bị Hamas bắt, tại Tel Aviv (Israel) vào tháng 10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Điều gì khiến tình hình thay đổi?

Trong nhiều tháng qua, các cuộc đàm phán Israel và Hamas rơi vào bế tắc.

Các nhà lãnh đạo Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khẳng định nước này tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Hamas ở Gaza. Ở chiều ngược lại, Hamas cho biết họ sẽ không thả thêm bất kỳ con tin nào trừ khi Israel đồng ý chấm dứt xung đột, rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza và thả những người Palestine bị nhốt trong các nhà tù của Israel.

Các bên trung gian như Qatar, Ai Cập, Mỹ từng đề xuất 2 bên tuân thủ theo một thỏa thuận ngừng bắn ba giai đoạn nhưng nỗ lực này cũng không đạt được kết quả.

Sau nhiều tháng, dù vấp phải nhiều sự phản đối, ông Netanyahu vẫn cho biết ông sẽ làm mọi cách có thể để giải cứu các con tin và sẽ không thỏa hiệp với Hamas. Trong khi đó, Hamas cũng tiếp tục chiến đấu với Israel, bất chấp việc khoảng 45.000 người dân Gaza thiệt mạng, nhiều người khác bị thương và khoảng 2 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh dải đất này bị tàn phá trên diện rộng.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình Trung Đông đã thay đổi hoàn toàn. Một số quan chức cho rằng tình hình này tạo nên những điều kiện thuận lợi để giúp các bên có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới.

Vào đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có bài đăng trên mạng xã hội, ám chỉ rằng ông sẽ không hài lòng nếu các con tin không được thả trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20-1-2025.

"Những người có liên quan sẽ phải chịu hậu quả nặng nề hơn bất kỳ ai" – ông viết.

Nhiều người ở Israel cho rằng thông điệp đó là nhắm vào cả ông Netanyahu lẫn Hamas. Ông Trump đã kêu gọi Israel "kết thúc" cuộc chiến, mặc dù ông không đưa ra giải pháp rõ ràng về tình hình hậu chiến ở Gaza.

Vào tháng 11, ông Steven Witkoff – người được ông Trump chỉ định làm đặc phái viên tại Trung Đông sau khi ông nhậm chức – đã gặp ông Netanyahu và thủ tướng Qatar để thảo luận về tình hình cuộc chiến tại Gaza. Sau cuộc gặp này, tốc độ đàm phán của các bên đã được đẩy nhanh.

Cùng lúc đó, nhiều nhà lãnh đạo và thành viên của Hamas đã bị hạ và nhóm này bị cô lập. Các quan chức Israel hy vọng điều đó có thể thúc đẩy nhóm Hamas chấp nhận thỏa hiệp.

 Phương tiện quân sự Israel di chuyển bên trong Dải Gaza vào tháng 12. Ảnh: AFP

Phương tiện quân sự Israel di chuyển bên trong Dải Gaza vào tháng 12. Ảnh: AFP

Đồng minh của Hamas là nhóm vũ trang Hezbollah từng khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục bắn rocket và máy bay không người lái vào Israel, cho đến khi cuộc xung đột Gaza chấm dứt. Nhưng sau khi Israel hạ nhiều thủ lĩnh và điệp viên của Hezbollah, vào tháng 11, Hezbollah đã chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày với Israel.

Trong tháng 12, nhóm nổi dậy ở Syria đã lật đổ chính quyền lãnh đạo kéo dài hàng thập niên của ông Bashar al-Assad. Ông al-Assad là đồng minh chủ chốt của Iran và cũng có thái độ ủng hộ Hamas và Hezbollah.

Theo The New York Times, giới lãnh đạo của Hamas từng mơ về việc hợp tác cùng với các lực lượng dân quân khác được Iran hậu thuẫn để tiến hành một cuộc chiến tranh khu vực chống lại Israel. Nhưng với tình hình hiện tại, như Ngoại trưởng Antony J. Blinken nhận định vào đầu tháng 12, Hamas nhận ra rằng sẽ khó có ai đến giải cứu họ.

Do đó, thỏa hiệp với Israel có thể là một trong những lựa chọn ưu tiên của Hamas lúc này.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/israel-hamas-sap-ngung-ban-post825682.html