Israel - Hezbollah khó tránh cuộc chiến tổng lực?

Kể từ khi xung đột Gaza bùng phát, quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã nhiều lần nã pháo qua lại. Đặc biệt, trong những tuần gần đây, 2 bên đã có những bình luận tưởng chừng như chiến tranh có thể bộc phát bất cứ lúc nào.

Israel vừa mới thành lập một sư đoàn mới mang tên Vua David trong bối cảnh leo thang xung đột với Hezbollah.

Israel có nhiều lý do phát động

Tình hình có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện theo một trong hai cách. Một là khi cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” vượt khỏi tầm kiểm soát mà không bên nào lên kế hoạch trước. Hai là con đường khác dẫn đến leo thang khi một bên cố ý dùng đến chiến tranh toàn diện, và Hezbollah khó có thể là bên phát động.

Hezbollah từ đầu đã nói rằng, việc họ nã pháo vào biên giới Israel chỉ là để bày tỏ sự đồng lòng với người Palestine đang bị bao vây ở Dải Gaza và ủng hộ Hamas. Hezbollah không thấy lợi ích ròng nào cho bản thân trong một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel.

Trong cuộc chiến tranh trước đó vào năm 2006, nhóm này có thể tuyên bố một số thành công trong việc chống lại lực lượng quân sự tiên tiến nhất ở Trung Đông, nhưng đã phải trả giá đắt về con người và vật chất. Sau đó, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã bày tỏ sự hối tiếc về hành động vượt biên giới dẫn đến cuộc chiến tranh đó.

Ngược lại, Israel có thể quyết định phát động một cuộc chiến tranh toàn diện ở Lebanon trong vài tháng tới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã nói với các quan chức Ả Rập Xê-út trong chuyến đi gần đây nhất của ông tới khu vực: “Tôi tin Israel có ý định xâm lược Lebanon”.

Một cuộc xâm lược như vậy sẽ không dựa trên bất kỳ phân tích sáng suốt và khách quan nào về lợi ích tốt nhất của an ninh Israel, mà chỉ là vấn đề về các yếu tố chính trị và cảm xúc nội bộ thúc đẩy hành vi của Israel. Một trong những yếu tố đó là tình hình của khoảng 60.000 người Israel đã phải di dời khỏi nhà ở miền Bắc Israel, do tình hình an ninh xấu đi.

Họ đại diện cho một lực lượng chính trị đáng kể ủng hộ việc làm điều gì đó để cho phép họ trở về. Tất nhiên, việc bùng nổ chiến tranh toàn diện với Hezbollah, ít nhất trong một thời gian sẽ khiến tình hình an ninh ở miền Bắc Israel trở nên tồi tệ hơn. Thế nhưng, họ vẫn hy vọng hành động quân sự mạnh tay sẽ dẫn đến tương lai lâu dài cho một nơi an cư ở miền Bắc.

Nếu một cuộc chiến như vậy nổ ra, thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ tiếp tục chìm sâu vào chiến tranh, hàng hóa sẽ tăng giá, các tuyến hàng hải qua khu vực bị đe dọa.

Quan trọng hơn, tình hình chính trị và pháp lý cá nhân của Thủ tướng Benjamin Netanyahu mới là yếu tố quyết định chính sách của Israel. Giới bình luận cho rằng, ông Netanyahu đang phụ thuộc vào chiến tranh để tiếp tục nắm giữ quyền lực và né tránh các cuộc điều tra tham nhũng.

Với việc chính ông Netanyahu gần đây tuyên bố rằng, "giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến với Hamas sắp kết thúc", lợi ích của ông trong một cuộc chiến toàn diện ở mặt trận phía Bắc có lẽ sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiệm kỳ của ông Netanyahu cũng phụ thuộc vào việc duy trì liên minh cầm quyền của ông với những người cực hữu, chủ yếu là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir. Cả 2 đều là những người theo đường lối cứng rắn về việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Hezbollah.

Thế giới sẽ điêu đứng

Thực tế, mục tiêu tuyên bố của Chính phủ Netanyahu ở Dải Gaza "sẽ phá hủy Hamas” đã ngoài tầm với, nên chính phủ phải tạo ra một nguồn hy vọng khác bằng cách thúc đẩy một cuộc tấn công vào Lebanon. Thêm vào đó là sự thất vọng khi không thể đưa nhiều con tin Israel sống sót trở về.

Chiến dịch tàn phá của Israel ở Dải Gaza, đã vượt xa mọi thứ có thể được hiểu là phòng thủ và thậm chí vượt xa mục tiêu là Hamas. Nó đã mang tính bản năng hơn là chiến lược, được giới quan sát nhìn nhận như một cơn co giật kéo dài của sự tức giận về nỗi kinh hoàng mà Hamas gây ra vào ngày 7-10 năm ngoái.

Thực tế người Ả Rập và Hezbollah là kẻ thù truyền thống của Israel, sẽ là lý do đủ để mở rộng chiến tranh trong tâm trí của nhiều người Israel đang thất vọng và tức giận. Tuy nhiên, trong phạm vi mà những cân nhắc chiến lược thực sự sẽ là cơ sở cho một cuộc xâm lược Lebanon, mục tiêu chính sẽ không phải là tiêu diệt Hezbollah, mà là đẩy lực lượng của họ ra khỏi phần Lebanon ở phía Nam sông Litani.

Những lời lẽ biện minh sẽ mô tả nỗ lực như vậy là để mua an ninh lâu dài cho miền Bắc Israel. Lịch sử đẫm máu về sự can dự của Israel vào Lebanon cho thấy rõ ràng, rằng sẽ không thể đạt được sự bảo đảm nào như vậy. Israel đã xâm lược Lebanon vào năm 1978, và năm 1982, khi tiến đến tận thủ đô Beirut. Họ duy trì sự chiếm đóng miền Nam Lebanon cho đến năm 2000.

Quay về cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006 để có cái nhìn rõ hơn về cuộc xung đột mới sẽ như thế nào, và liệu có tàn khốc hơn. Khả năng ném bom trên không của Hezbollah vào Israel hiện nay lớn hơn nhiều so với trước đây.

Các ước tính về số lượng tên lửa và rocket trong kho vũ khí của họ rất khác nhau nhưng đa phần vào khoảng 150.000 đơn vị. Ngay cả những quả đạn pháo thô sơ cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại nếu chúng áp đảo được hệ thống phòng không của Israel bằng cách dùng số lượng lớn.

Chính quyền Biden thực sự đã đúng khi không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh mới giữa Israel và Hezbollah. Tuy nhiên, những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Mỹ có xác suất thành công không cao.

Những ý tưởng mà đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein đã thảo luận với các quan chức Israel và Lebanon, trên thực tế chỉ là giải pháp kéo Israel - Liban ra khỏi những gì đang diễn ra ở Dải Gaza. Điều đó có thể không khả thi, xét đến bầu không khí đang diễn ra ở Gaza và thái độ của Hezbollah.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/israel-hezbollah-kho-tranh-cuoc-chien-tong-luc-post115316.html