Israel ký hiệp ước Abraham với Bahrain, UAE tại Nhà Trắng
Tổng thống Trump cho biết sau UAE và Bahrain 'sẽ có ít nhất năm hoặc sáu quốc gia tham gia vào hiệp ước' hòa bình với Israel.
Ngày 15-9 tại Nhà Trắng và với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ba nước: Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Bahrain đã cùng ký Hiệp ước hòa Abraham, chính thức bình thường hóa quan hệ, theo tin từ đài CNN.
Tham gia về phía Israel có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan.
Bahrain và UAE là những quốc gia Ả Rập đầu tiên thiết lập quan hệ với Israel sau Ai Cập (năm 1979) và Jordan (năm 1994).
Tổng thống Trump ca ngợi đây là “ngày lịch sử cho hòa bình ở Trung Đông".
"Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng tôi đánh dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới” - Tổng thống Trump nói.
Ông Trump tin tưởng hiệp ước "sẽ đóng vai trò là nền tảng cho sự hòa bình toàn trên toàn khu vực" và "sẽ có thêm các quốc gia khác tham gia, rất sớm".
Phát biểu với các phóng viên trước buổi lễ, Tổng thống Trump cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ có ít nhất năm hoặc sáu quốc gia tham gia vào hiệp ước này".
Tổng thống Trump không nêu tên các quốc gia sẽ tham gia bổ sung vào hiệp ước nhưng ám chỉ trong cuộc họp với Ngoại trưởng UAE, ông Abdullah bin Zayed Al-Nahyan, rằng Saudi Arabia có thể sẽ tham gia.
“Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán tuyệt vời với Saudi Arabia. Tôi nghĩ rằng suy nghĩ của họ rất cởi mở ” - Tổng thống Trump nói.
Thủ tướng Netanyahu của Israel gọi ngày đặc biệt này là một “vòng xoay của lịch sử”.
"Nó báo trước một bình minh mới của hòa bình. Cuối cùng thì nó có thể chấm dứt xung đột Ả Rập-Israel một lần và mãi mãi" - ông Netanyahu nói.
Trong phát biểu hướng tới ông Netanyahu, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan nói: “Hôm nay tôi đứng đây để giang tay đón nhận hòa bình. Cảm ơn các bạn đã lựa chọn hòa bình".
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Bahrain, ông Abdullatif al-Zayani nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp "hai nhà nước" cho cuộc xung đột Palestine - Israel.
Đối với Trung Đông, Hiệp ước Abraham đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong hiện trạng hàng thập kỷ, nơi các nước Ả Rập đã cố gắng duy trì sự thống nhất chống lại Israel về cách đối xử với người Palestine.
Trước buổi lễ, Tổng thống Trump phát biểu với đài Fox News rằng các thỏa thuận sẽ gây áp lực lên người Palestine để họ cũng phải đến bàn đàm phán hoặc họ sẽ bị "bỏ rơi".
“Người Palestine cuối cùng cũng sẽ tham gia. Và bạn sẽ có hòa bình ở Trung Đông mà không phải đổ máu trên cát” - theo ông Trump.
Tất cả bốn quốc gia hiện diện tại Nhà Trắng đều có chung thái độ thù địch với Iran, nơi mà Tổng thống Trump đã gây áp lực kinh tế và ngoại giao.
Sự tan băng cũng sẽ mang lại cho Israel và hai đối tác Ả Rập mới của họ một cơ hội kinh tế lớn, ngay khi họ đang tìm cách xây dựng lại đất nước sau suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.