Israel ký thỏa thuận bình thường hóa với UAE, Bahrain: Bình minh của một Trung Đông mới?
Sau rất nhiều những thỏa thuận, đàm phán, sau rất nhiều những mong chờ, nỗ lực, cuối cùng thế giới cũng được chứng kiến giây phút các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cùng gật đầu ký vào bản thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, chấm dứt sự đối đầu căng thẳng qua nhiều thập kỷ.
Sự thỏa thuận, như cách nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đánh dấu bình minh của một Trung Đông mới.
Những động thái chưa từng có tiền lệ
Điểm đáng chú ý nhất trong bản thỏa thuận, còn được gọi dưới cái tên Hiệp ước Abraham (đặt theo tên cha đẻ các tôn giáo một thần được sáng lập ở khu vực Trung Đông bao gồm Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo), là việc Israel đồng ý ngừng kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ bờ Tây. Một điều mà chỉ cách đó mấy tháng, bấp chấp sự phản đối của Liên Hợp Quốc (LHQ), châu Âu và các nước Arab, Israel tuyên bố bắt đầu tiến trình sáp nhập và dự kiến sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái.
Trước đó, hàng loạt những động thái được cho là “dọn đường” cho thỏa thuận này cũng đã diễn ra. Ngày 10/9, hãng hàng không Israir đã là hãng hàng không đầu tiên thông báo mở đường bay thẳng thường xuyên giữa Israel và UAE sau khi Saudi Arabia đồng ý cho máy bay của Israel bay qua không phận của nước này. Sau Saudi Arabia, Bahrain cũng có động thái tương tự. Trước đó, ngày 3/9, hãng hàng không quốc gia Israel El Al Airlines cho biết trong tháng 9/2020 cũng bắt đầu vận hành chuyến bay chở hàng đầu tiên của một hãng hàng không Israel đến thành phố Dubai (UAE).
Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan (từ trái sang) tại lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng, Washington DC., Mỹ ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiến thắng ngoại giao của ông Trump
Việc Hiệp ước Abraham được ký kết, UAE và Bahrain lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel, sau khi Israel ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan năm 1994, được giới quan sát cho là chiến thắng ngoại giao của Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn cách chưa đầy hai tháng. Cũng chính bản Hiệp ước Abraham là nguyên cớ khiến ông chủ Nhà Trắng mới đây, lần thứ hai được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Bản thân đương kim chủ nhân Nhà Trắng cũng không giấu giếm sự phấn khích trước thành quả này. Tại lễ ký hôm 15/9, ông Trump đã ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. “Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới” - ông Doanld Trump khẳng định.
Nỗi ấm ức của Palestine
Cùng chung góc nhìn với người đứng đầu nước Mỹ, nhiều nước bày tỏ sự hoan nghênh với Hiệp ước Abraham, xem đó là bước “đột phá to lớn”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ “là một đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực”, bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ là sự khởi đầu cho những diễn biến tích cực tiếp theo tại khu vực và sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Nga cũng bày tỏ sự đồng tình với quyết định của Israel khi từ bỏ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine và cho rằng điều này chắc chắn sẽ giúp bình thường hóa tình hình tại khu vực. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hoan nghênh thỏa thuận này và cho rằng, thỏa thuận có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông.
Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Bahrain Al Zayani và Ngoại trưởng UAE al-Nahyan tại Nhà Trắng sau lễ ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngày 15/9. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, với một số quốc gia Arab, đặc biệt là Palestine, thỏa thuận này như… lưỡi dao đâm sau lưng thế giới Hồi giáo. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeineh bức xúc cho rằng thỏa thuận trên là một “sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine”. Còn đại diện các phong trào Fatah và Hamas của Palestine thì khẳng định: “Thỏa thuận sẽ không trao cho nhà nước Do Thái bất kỳ tính hợp pháp nào khi chiếm đóng đất đai của Palestine. Bên chiếm đóng vẫn là kẻ thù chính của người dân Palestine và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại sự sáp nhập”. Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng Chính quyền Palestine và người dân Palestine đã đúng khi phản ứng mạnh mẽ trước thỏa thuận trên và bày tỏ sự lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ.
Bình minh luôn là sự khởi đầu cho một ngày mới. Dù chưa biết ngày mới ấy sẽ như thế nào. Nhưng đôi lúc, lịch sử bắt buộc phải có những khởi đầu như thế.