Israel lần đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Ai Cập
Chính quyền Israel ngày 17/12 đã bật đèn xanh cho lần xuất khẩu khí đốt tự nhiên đầu tiên sang Ai Cập, đồng thời thông báo chuẩn bị đưa mỏ Leviathan, ngoài khơi Địa Trung Hải, vào sản xuất.
Vào năm 2018, Cairo đã ký một thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên từ các mỏ Tamar và Leviathan của Israel sang Ai Cập. Mỏ Tamar được đưa vào khai thác từ năm 2013 với trữ lượng ước tính khoảng 238 tỷ m3.
Được phát hiện vào năm 2010, Leviathan chứa khoảng 539 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và 34,1 triệu thùng condensat, nhưng việc sản xuất tại mỏ này vẫn chưa được bắt đầu.
Ngày 17/12, Bộ Năng lượng Israel đã đồng ý cho xuất khẩu khí đốt từ hai mỏ trên sang Ai Cập. "Việc xuất khẩu khí đốt từ các mỏ Leviathan và Tamar sang Ai Cập là dự án hợp tác kinh tế quan trọng nhất giữa Ai Cập và Israel kể từ khi hiệp ước hòa bình được ký kết giữa hai nước 40 năm trước”, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz nói.
Các công ty Delek của Israel và Noble của Mỹ, quản lý việc phát triển và khai thác các mỏ khí đốt Tamar và Leviathan, đã ký một thỏa thuận trị giá 15 tỷ đô la với tập đoàn Dolphinus của Ai Cập để cung cấp khí đốt tự nhiên trong hơn 10 năm.
Một phát ngôn viên của Delek ngày 17/12 xác nhận với AFP rằng việc sản xuất khí đốt ở mỏ Leviathan sẽ bắt đầu "trong vài ngày tới" và việc xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập sẽ bắt đầu từ 1/1/2020.
"Cuộc cách mạng khí đốt tự nhiên sẽ biến chúng tôi thành một siêu cường năng lượng khu vực", ông Steinitz nói.
Theo các nhà phân tích, việc xuất khẩu khí đốt của Israel nhằm thắt chặt mối quan hệ của nước này với các quốc gia khác trong khu vực và thậm chí với các quốc gia khác trong vùng Địa Trung Hải.