Israel - Morocco bình thường hóa quan hệ: Nhân tố lịch sử và chiến lược

Không phải là 'điều thần kỳ trong lễ hội Hanukkah' như các chính trị gia Israel khẳng định, việc Morocco đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia này là kết quả của những mối liên hệ văn hóa và tôn giáo lâu dài, cũng như làn sóng bình thường hóa quan hệ với Israel của các nước Arab trong những tháng gần đây.

Sợi dây liên kết lịch sử

Khác với Ai Cập và Jordan – những nước đã ký hiệp ước hòa bình với Israel từ nhiều năm trước, cũng khác với UAE, Bahrain và Sudan – những nước mới bình thường hóa quan hệ, Morocco và cộng đồng người Do Thái đã có những sợi dây liên kết sâu sắc từ thời xa xưa. Hiện nay, dù số lượng không nhiều, cộng đồng người Do Thái ở Morocco vẫn đang phát triển.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Morocco Mohammed VI (từ trái sang). (Nguồn: Middle East Eye)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Morocco Mohammed VI (từ trái sang). (Nguồn: Middle East Eye)

Người Do Thái đã đặt chân đến Morocco từ hai thiên niên kỷ trước. Trong thời kỳ hiện đại, cộng đồng Do Thái ở Morocco đạt đến con số đỉnh điểm là hơn 250.000 người vào đầu những năm 1940, khi Morocco chống lại áp lực của phát xít Đức đòi trục xuất cộng đồng này.

Sau khi nhà nước Israel thành lập, số người Do Thái ở Morocco dần suy giảm và hiện tại chỉ còn khoảng 2.000 – 3.000 người. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người Israel vẫn tự nhận mình có nguồn gốc từ Morocco. Thậm chí Jared Kushner, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho rằng, con số này là “trên một triệu người”.

Trong khi du khách Israel chỉ bắt đầu đến các nước vùng Vịnh trong thời gian gần đây, họ đã đến thăm một số thành phố của Morocco như Rabat, Marrakech, Casablanca, Tangiers và Fez từ nhiều năm trước, nhờ quá cảnh ở nước thứ ba. Một khi Israel và Morocco thiết lập quan hệ ngoại giao và mở đường bay thẳng, con số này được cho là sẽ gia tăng đáng kể.

Từ sau Thỏa thuận Oslo năm 1995, Morocco và Israel mở “văn phòng liên lạc” tại nước sở tại, tuy nhiên chúng đã bị đóng cửa sau cuộc nổi dậy (Intifada) lần 2 của người Palestine năm 2000.

Trong các tuyên bố về thỏa thuận mang tính lịch sử giữa hai nước, Quốc vương Morocco Mohammed VI và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều nhắc lại mối quan hệ lâu dài và sâu rộng này.

“Mọi người đều biết đến tình hữu nghị to lớn mà Quốc vương và nhân dân Morocco dành cho cộng đồng người Do Thái ở đây. Hàng trăm ngàn người Do Thái của Morocco đã đến Israel, tạo nên cầu nối giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta”, Thủ tướng Netanyahu phát biểu.

“Morocco có vai trò lịch sử trong việc đưa các dân tộc trong khu vực lại gần nhau, cũng như bảo đảm an ninh và ổn định ở Trung Đông… Có những mối liên hệ đặc biệt giúp gắn kết cộng đồng người Do Thái gốc Morocco, trong đó có những người đang sinh sống ở Israel, với Quốc vương”, trích thông báo chính thức của Morocco.

Nhân tố chiến lược

Tuy vậy, Quốc vương Morocco không đột ngột ra quyết định công nhận Israel vì yêu quý người Do Thái. Đây là kết quả của thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Theo đó, Washington sẽ công nhận chủ quyền của Morocco đối với toàn bộ vùng lãnh thổ Tây Sahara.

Với việc bình thường hóa quan hệ với Israel, UAE nhận được lời hứa tạm ngừng kế hoạch đơn phương sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây của Israel, cũng như máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Sudan được đưa ra khỏi Danh sách quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ và được hứa hẹn một khối lượng viện trợ khổng lồ.

Đối với Morocco, nước này sẽ lần đầu tiên có được sự công nhận chính thức đối với yêu sách ở Tây Sahara từ cường quốc hàng đầu thế giới.

Một số quốc gia như Pháp hay các nước vùng Vịnh đều ủng hộ yêu sách của Rabat với Tây Sahara, tuy nhiên chưa quốc gia nào chính thức công nhận chủ quyền cả Morocco đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này, bất chấp việc UAE mở Tổng lãnh sự quán ở thủ phủ Laayoune của Tây Sahara tháng 10 vừa qua được nhiều nhà phân tích coi là sự công nhận trên thực tế.

Động thái của Quốc vương Mohammed được cho là nhằm tận dụng những ngày cuối cùng ở nhiệm sở của Tổng thống Donald Trump, bởi vì Tổng thống đắc cử Joe Biden ít khả năng thực hiện hành động này.

Tương lai nào cho quan hệ song phương?

Thủ tướng Israel Netanyahu đã dự đoán về một “nền hòa bình ấm áp” với Morocco, tuy nhiên chưa thể nói được rằng liệu người dân Morocco - hầu hết là người Arab theo đạo Hồi - có đón nhận thỏa thuận một cách tích cực hay không.

Theo một khảo sát gần đây, chỉ 16% số người Morocco có quan điểm tích cực về Israel, trong khi tới 70% có cái nhìn tiêu cực. Trong khi đó, 3/4 số người được hỏi thể hiện quan điểm tích cực đối với Palestine.

Cũng theo khảo sát này, chỉ 17% số người Morocco ủng hộ các “thỏa thuận Abraham” giữa Israel với UAE và Bahrain, trong khi 2/3 phản đối. Đặc biệt, chỉ 26% cho rằng, Israel có quyền được tồn tại.

Cùng ngày với tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Morocco Mohammed tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” đối với giải pháp hai nhà nước và sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine.

Việt Hà

(theo Times of Israel)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-morocco-binh-thuong-hoa-quan-he-nhan-to-lich-su-va-chien-luoc-131314.html