Israel nhắm mục tiêu Iran sau khi đánh bại Hamas, Hezbollah và Syria
Năm 2025 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đối thủ lớn nhất của đất nước này, Iran.
Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Israel đang chuẩn bị củng cố các mục tiêu chiến lược của mình: thắt chặt kiểm soát quân sự tại Gaza, ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, và tận dụng sự tan rã của các đồng minh của Tehran như Hamas (Palestine), Hezbollah (Lebanon), cùng sự sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Sự sụp đổ chính quyền Assad, việc loại bỏ các lãnh đạo hàng đầu của Hamas và Hezbollah, cùng với sự tiêu diệt cấu trúc quân sự của họ, đánh dấu một chuỗi chiến thắng mang tính lịch sử đối với ông Netanyahu.
Không có Syria, các liên minh mà Tehran đã xây dựng trong nhiều thập kỷ đang tan rã. Khi ảnh hưởng của Iran suy yếu, Israel đã nổi lên như một cường quốc thống trị trong khu vực.
Ông Netanyahu dự kiến sẽ tập trung vào tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa của Iran, với quyết tâm tháo dỡ và vô hiệu hóa các mối đe dọa chiến lược đối với Israel.
Theo các nhà quan sát Trung Đông, Iran đang đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp tục chương trình làm giàu hạt nhân hoặc thu hẹp các hoạt động hạt nhân của mình và đồng ý tham gia đàm phán.
"Iran rất dễ tổn thương trước một cuộc tấn công của Israel, đặc biệt là vào chương trình hạt nhân", ông Joost R. Hiltermann, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Israel thực hiện điều đó, nhưng điều này sẽ không loại bỏ được Iran".
Nếu phía Iran không nhượng bộ, ông Trump và ông Netanyahu có thể sẽ ra tay, vì giờ đây không có gì ngăn cản họ," nhà phân tích Palestine Ghassan al-Khatib cho biết.
Ông Khatib lập luận rằng giới lãnh đạo Iran có thể sẽ sẵn sàng thỏa hiệp để tránh một cuộc đối đầu quân sự.
Ông Trump, người đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc nhằm kiềm chế các mục tiêu hạt nhân của Tehran, có khả năng sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, bất chấp những lời kêu gọi quay lại bàn đàm phán từ những người chỉ trích, những người cho rằng ngoại giao là chính sách dài hạn hiệu quả hơn.
Di sản của ông Netanyahu
Giữa bối cảnh bất ổn ở Iran và Gaza, phiên tòa xét xử tham nhũng kéo dài của ông Netanyahu, được nối lại vào tháng 12, cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình di sản của ông. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng nổ vào năm 2023, ông Netanyahu đã ra làm chứng tại phiên tòa, vốn đã chia rẽ sâu sắc người dân Israel.
Khi năm 2024 sắp kết thúc, Thủ tướng Israel có thể sẽ đồng ý ký một hiệp định ngừng bắn với Hamas để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 14 tháng ở Gaza và giải phóng các con tin Israel bị giam giữ tại vùng đất này, theo các nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, Gaza sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát quân sự của Israel trong bối cảnh thiếu một kế hoạch hậu chiến từ phía Mỹ để Israel chuyển giao quyền lực cho Chính quyền Palestine (PA), điều mà ông Netanyahu kiên quyết phản đối. Các quốc gia Arab cũng không đánh tín hiệu gây áp lực buộc Israel phải thỏa hiệp hoặc thúc đẩy PA cải tổ ban lãnh đạo để tiếp nhận quyền kiểm soát.
"Israel sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Gaza trong tương lai gần vì bất kỳ sự rút quân nào cũng tiềm ẩn rủi ro Hamas tái tổ chức. Israel tin rằng cách duy nhất để duy trì thành quả quân sự là ở lại Gaza", ông Khatib nói với Reuters.
Đối với ông Netanyahu, kết quả như vậy sẽ đánh dấu một chiến thắng chiến lược, củng cố hiện trạng phù hợp với tầm nhìn của ông: Ngăn chặn việc thành lập nhà nước Palestine trong khi đảm bảo sự kiểm soát lâu dài của Israel đối với Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem – những vùng lãnh thổ được quốc tế nhận định là không thể thiếu cho một nhà nước Palestine tương lai.
Cuộc chiến ở Gaza bùng nổ khi các tay súng Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 250 con tin, theo thống kê của Israel. Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công trên không và trên bộ, khiến 45.000 người thiệt mạng, theo cơ quan y tế tại Gaza, làm 1,2 triệu người mất nhà cửa và khiến phần lớn vùng đất này bị tàn phá.
Mặc dù hiệp định ngừng bắn sẽ chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Gaza, nhưng nó sẽ không giải quyết được cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Palestine và Israel, theo các quan chức Arab và phương Tây.
Trên thực tế, triển vọng về một nhà nước Palestine, điều mà chính phủ của ông Netanyahu nhiều lần bác bỏ, ngày càng trở nên xa vời, trong khi các lãnh đạo người định cư Israel tỏ ra lạc quan rằng ông Trump sẽ ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của họ.
Sự gia tăng bạo lực từ phía các nhóm định cư và sự tự tin ngày càng lớn của phong trào định cư – với các biển quảng cáo trên đường cao tốc ở một số khu vực thuộc Bờ Tây mang thông điệp bằng tiếng Arab: "Không có tương lai ở Palestine" – phản ánh áp lực ngày càng tăng đối với người Palestine.
Ngay cả khi chính quyền ông Trump thúc đẩy việc chấm dứt xung đột, "bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ theo các điều kiện của Israel", ông Hiltermann thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết.
"Viễn cảnh về một nhà nước Palestine đã chấm dứt, nhưng người Palestine vẫn ở đó", ông nói.
Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, ông Netanyahu đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao, bao gồm “Thỏa thuận Thế kỷ”, một kế hoạch hòa bình do Mỹ hậu thuẫn mà ông Trump đề xuất vào năm 2020 để giải quyết xung đột Israel-Palestine.
Kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ và các thỏa thuận quốc tế, khi công khai đứng về phía Israel và đi chệch khỏi kế hoạch "đất đổi hòa bình" vốn đã định hướng các cuộc đàm phán trong lịch sử.
Kế hoạch sẽ cho phép Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm các khu định cư của Israel và Thung lũng Jordan. Đồng thời, nó sẽ công nhận Jerusalem là "thủ đô không bị chia cắt của Israel" – điều này thực tế phủ nhận yêu sách của Palestine đối với Đông Jerusalem, một nguyện vọng cốt lõi trong mục tiêu thành lập nhà nước của họ và phù hợp với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Syria đứng trước ngã rẽ quan trọng
Bên kia biên giới Israel, Syria đang ở ngã rẽ quan trọng sau khi ông Assad bị lật đổ bởi lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS), do ông Ahmad al-Sharaa, được biết đến nhiều hơn với cái tên Abu Mohammed al-Golani, dẫn đầu.
Ông Golani hiện đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là củng cố quyền kiểm soát trên một Syria đang chia rẽ, nơi lực lượng quân đội và cảnh sát đã sụp đổ. HTS phải xây dựng lại từ đầu, đảm bảo an ninh biên giới và duy trì ổn định nội bộ trước các mối đe dọa từ các nhóm thánh chiến, tàn dư của chế độ Assad và các đối thủ khác.
Nỗi lo lớn nhất của người dân Syria và các nhà quan sát là liệu HTS, từng liên kết với al-Qaeda nhưng hiện đang tự giới thiệu mình như một lực lượng dân tộc chủ nghĩa Syria để giành tính hợp pháp, có quay lại hệ tư tưởng Hồi giáo cứng rắn hay không.
Tiềm năng hoặc thất bại trong việc định hình lập trường dân tộc chủ nghĩa Syria của nhóm này sẽ quyết định tương lai của đất nước, nơi có cộng đồng đa dạng gồm người Sunni, Shiite, Alawite, Kurd, Druze và Cơ đốc giáo.
"Nếu họ thành công trong việc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Syria, sẽ có hy vọng cho Syria, nhưng nếu họ quay lại vùng an toàn của họ với tư tưởng Hồi giáo cực đoan, thì Syria sẽ lại bị chia rẽ", ông Hiltermann nhận định. "Bạn có thể sẽ chứng kiến sự hỗn loạn và một Syria yếu kém trong thời gian dài, giống như những gì chúng ta đã thấy ở Libya và Iraq".