Israel phát triển công nghệ mới điều trị bệnh nhân COVID-19
Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của Cơ quan dịch vụ khẩn cấp quốc gia ở TP Bnei Brak, Israel - Ảnh: THX/TTXVN
* Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng trên người 2 loại vắcxin phòng COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 13/4, Viện Công nghệ Technion của Israel tuyên bố đã phát triển thành công công nghệ liệu pháp bọt lỏng (LIFT) để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS).
ARDS gây ra tình trạng viêm phổi nghiêm trọng được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân COVID-19.
Viện công nghệ Technion cho biết công nghệ mới có thể giúp cứu sống bệnh nhân COVID-19 bị suy hô hấp cấp.
Bệnh nhân mắc phải hội chứng suy hô hấp cấp thể hiện rõ qua việc phổi bị tổn thương do các chất lỏng bao phủ bề mặt phế nang trong phổi, gây ra sự tích tụ dịch trong những túi khí, từ đó ngăn oxy vào máu và những phần còn lại của cơ thể. Chính điều này có nguy cơ gây suy hô hấp cấp và tử vong.
Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Technion đã cải tiến liệu pháp thay thế chất hoạt diện bề mặt ở phổi (SRT) bằng liệu pháp bọt lỏng LIFT.
Phương pháp SRT được sử dụng điều trị cho trẻ sinh thiếu tháng, theo đó bơm chất hoạt diện bề mặt ở phổi vào phổi trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả đối với phổi của người lớn do sự khác biệt về kích thước. Việc phát triển thành công LIFT giúp cải thiện đáng kể sự phân phối chất hoạt diện bề mặt ở phổi.
Liên quan phòng chống dịch COVID-19, cùng ngày, công ty quốc phòng Elbit Systems của Israel thông báo đã điều chỉnh dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng nghìn máy trợ thở trong thời gian tới.
Đại diện công ty Elbit cho biết công ty đã chuyển 2 cơ sở thành các dây chuyền sản xuất và lắp ráp máy trợ thở dựa trên công nghệ của LifeCan Medical. Theo kế hoạch, hoạt động chế tạo các thiết bị này sẽ bắt đầu sau khi kỳ nghỉ Lễ Quá hải của người Do Thái kết thúc ngày 15/4.
Dự kiến, công suất chế tạo sẽ đạt 300 triệu máy thở mỗi tuần. Ban đầu, các máy trợ thở này sẽ được cung cấp cho các trung tâm y tế trong nước. Theo Bộ Y tế Israel, nước này có khoảng 3.500 máy trợ thở, tức là trung bình 2.500 người/máy. Giới chức Israel đặt mục tiêu đến tháng 5 tới tăng tổng số máy trợ thở lên 7.000 chiếc bằng cách chế tạo trong nước và nhập khẩu, theo đó đạt tỉ lệ 1.245 người/máy.
Cùng với nhiều nước khác trên thế giới, Chính phủ Israel đang thúc đẩy nỗ lực tự chế tạo hoặc tìm nguồn cung máy trợ thở trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 11.586 ca với 116 ca tử vong.
Người đứng đầu bộ phận thu mua của Bộ Y tế, ông Orly Weinstein nhấn mạnh Israel phải tự chế tạo các thiết bị này, đặc biệt khi một số nhà cung cấp nước ngoài nâng giá hoặc hủy đơn hàng để tập trung nguồn lực trong nước.
Trong diễn biến khác, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế các ca mắc dịch COVID-19 từ nước ngoài, nhà chức trách nước này đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên.
Trong thông báo được đưa ra ngày 14/4, Cơ quan phối hợp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh thuộc Quốc vụ viện cho biết hai loại vắcxin trên do công ty nghiên cứu và phát triển dược phẩm Sinovac có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất. Những thử nghiệm lâm sàng 2 loại vắcxin này đã được khởi động.
Hai loại vắcxin trên là lô vắcxin bất hoạt đầu tiên ngừa COVID-19 của Trung Quốc được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng. Sử dụng các vi sinh vật gây bệnh đã chết để tạo miễn dịch, các vắcxin bất hoạt này sở hữu lợi thế về quá trình sản xuất hoàn thiện, các tiêu chuẩn chất lượng có thể kiểm soát được và phạm vi bảo vệ rộng lớn.
Chúng có thể được sử dụng cho chương trình tiêm chủng quy mô lớn, và tính an toàn cũng như hiệu quả có thể được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tạo lập được nền tảng vững chắc trong việc nghiên cứu các vắcxin bất hoạt. Các vắcxin bất hoạt đã được sử dụng rộng rãi ngừa các bệnh viêm gan A, cúm, bệnh tay – chân – miệng và viêm đa cơ. Các nhà phát triển vắcxin có khả năng sản xuất quy mô lớn.
Theo các nguồn tin từ Sinopharm, công ty này đã phân bổ 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 142 triệu USD) cho việc nghiên cứu và bào chế vắcxin theo hai phương pháp công nghệ.Bên cạnh vắcxin bất hoạt đã được phê duyệt, công ty cũng đang nghiên cứu một loại vắcxin bất hoạt khác và vắcxin kỹ thuật di truyền.
Trong khi đó, dựa trên kinh nghiệm trước đây trong nghiên cứu và điều chế vắcxin ngừa Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), công ty phát triển vắcxin Sinovac đã duy trì hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức, bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Chiết Giang và Viện Khoa học động vật thuộc Viện Khoa học Y học Trung Quốc.
Vắcxin bất hoạt của Sinovac đã cho thấy phản ứng trung hòa chéo tốt với các chủng COVID-19 khác nhau trong và ngoài nước. Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia cũng đã đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt các vắcxin ngừa COVID-19 dựa trên tính an toàn và hiệu quả của chúng.
Trung Quốc áp dụng 5 phương pháp công nghệ để phát triển các vắcxin ngừa COVID-19, bao gồm các vắcxin bất hoạt, vắcxin protein tái tổ hợp, vắcxin adenovirus, vắcxin nucleic acid và các vắcxin sử dụng virus cúm giảm độc lực.
Trong số đó, vắcxin virus adenovirus tái tổ hợp do Viện Quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng vào ngày 16/3 vừa qua. Mặc dù số ca mắc COVID-19 đã giảm song Trung Quốc đang cảnh giác với các ca mắc từ bên ngoài.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)