Israel hiện đang nghiên cứu xem liệu Lực lượng Phòng vệ (IDF) của họ có quan tâm đến việc chống máy bay không người lái bằng pháo nòng xoay kiểu Gatling M61 Vulcan hay không?
Loại vũ khí cổ điển nói trên có thể được gắn trên các xe bọc thép chở quân sẽ được triển khai dọc biên giới phía Bắc của đất nước nhằm tạo ra lớp phòng thủ tầm gần rẻ tiền và có tốc độ phản ứng cao.
Tel Aviv bắt đầu xem xét hướng đi như vậy sau khi lực lượng vũ trang Hezbollah tại Lebanon phóng máy bay không người lái và tên lửa hành trình vào lãnh thổ nước này trong tháng 4 năm nay.
Ấn phẩm Defense News nhận xét, theo tính toán của Trung tâm khoa học và giáo dục Alma, nhóm vũ trang Hezbollah có hơn 2.500 UAV cả trinh sát và tấn công, cường độ tập kích đã tăng từ 7 chiếc vào tháng 2/2024, lên tới 24 chiếc chỉ trong tháng sau.
Để chống lại máy bay không người lái của đối phương, Bộ Tư lệnh phía Bắc của IDF đã thành lập một đơn vị phòng thủ đặc biệt và hệ thống phát hiện UAV đã được triển khai dọc theo biên giới.
Tuy nhiên trong tháng 5/2024, lực lượng Hezbollah vẫn đã thành công trong việc đưa một máy bay không người lái tiến vào không phận Israel để tấn công một mục tiêu quân sự, khiến IDF nhận thấy cần tăng cường những hệ thống phòng không kiểu cũ để lấp đầy khoảng trống.
Đối với pháo M61 Vulcan, chúng phục vụ trong IDF như một phần của hệ thống Machbet (hiện đại hóa pháo phòng không tự hành M163 VADS do Mỹ chế tạo trên khung gầm trên xe bọc thép chở quân M113), đã được Israel đã sử dụng từ năm 1997 đến năm 2006.
Điều thú vị là ngày nay các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của Israel như Rafael hay IAI (Israel Aerospace Industries) có một số giải pháp khác nhau để chống lại UAV.
Mặc dù vậy, họ từ chối bình luận về khả năng trang bị cho quân đội các hệ thống pháo nòng xoay cao tốc kiểu Gatling. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng nước này cũng không bình luận về thông tin nói trên.
Ngoài ra IDF cho biết, Quân đội Israel hiện không có sẵn pháo M61 Vulcan và giải pháp này cùng với các lựa chọn khác để phòng thủ chống lại máy bay không người lái đang được thử nghiệm song song.
Điều thú vị ở chỗ Israel không phải lực lượng duy nhất có ý định sử dụng trở lại pháo nòng xoay cao tốc, tin tức gần đây cho thấy Hàn Quốc đang đặt cược vào các hệ thống thông thường tương tự.
Chính quyền Seoul sẽ chi 650 triệu USD cho hệ thống CIWS-II - phiên bản sản xuất theo giấy phép dựa trên tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Phalanx nổi tiếng của Mỹ.
Nhưng ở đây có một vấn đề phải nói tới, cho dù vẫn được biết đến như một vũ khí phòng không giá rẻ, tuy nhiên hiệu quả của pháo nòng xoay kiểu Gatling vẫn bị nghi ngờ khi phải đối đầu mục tiêu như UAV cảm tử.
Sẽ cần một cơ số đạn rất lớn để tiêu diệt mục tiêu như máy bay không người lái cảm tử kích thước nhỏ, đi kèm với đó là gánh nặng hậu cần không hề dễ chịu, có thể tạo ra mức chi phí còn cao hơn khi đặt cạnh tên lửa đánh chặn.