Israel-Saudi Arabia: Người thổi lửa, kẻ dập khói

Đồn đoán của dư luận xung quanh cuộc gặp giữa lãnh đạo Israel và Saudi Arabia đã phản ánh và thực trạng 'người muốn kẻ chưa' của mối quan hệ này. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Theo Reuters, tối 22/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bí mật gặp tại “siêu thành phố” Neom, Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã lên tiếng phủ nhận, khẳng định chỉ có cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thái tử Mohammed bin Salman.

Văn phòng Thủ tướng Israel vẫn im lặng, song thông điệp từ một số quan chức cấp cao đã ngầm thừa nhận chuyến thăm này. Chiều 23/11, Bộ trưởng Giáo dục Israel Yoav Galant khẳng định cuộc gặp đã diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz chỉ trích việc lộ lọt thông tin, song thừa nhận sự tồn tại của chuyến thăm tới Saudi Arabia.

Đâu là lý do sau tuyên bố khác nhau của các bên về 'cuộc gặp' giữa lãnh đạo Israel và Saudi Arabia? (Nguồn: Sky News)

Đâu là lý do sau tuyên bố khác nhau của các bên về 'cuộc gặp' giữa lãnh đạo Israel và Saudi Arabia? (Nguồn: Sky News)

Theo FlightRadar24, máy bay Gulfstream IV của doanh nhân Udi Angel, đồng minh ông Netanyahu đã hạ cánh tại Neom và trở lại Tel Aviv sau 5 tiếng ngày 22/11.

Nếu được xác nhận, cuộc gặp trên sẽ đi vào lịch sử và là thắng lợi lớn dành cho ông Netanyahu và đảng Likud. Câu hỏi là tại sao nó lại diễn ra vào lúc này? Đâu là ẩn ý sau tuyên bố khác nhau về cuộc gặp?

Về mặt thời điểm, nó diễn ra trong bối cảnh ông Benjamin Netanyahu đang hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đứng trước nguy cơ thất cử. Trong khi đó, ông Joe Biden được dự đoán sẽ không nhiệt tình với tiến trình bình thường hóa quan hệ của Israel với giới Arab tại Trung Đông như trước. Cụ thể, chiến dịch tranh cử của ông đã thảo luận với Palestine và đạt một số đồng thuận về xung đột Israel-Palestine.

Vì thế, tuyên bố khác nhau thể hiện rõ lập trường của hai bên. Việc Israel “vô tình” để lộ thông tin là cách ông Netanyahu âm thầm khẳng định sự tồn tại của cuộc gặp lịch sử nhằm gây tiếng vang, giảm áp lực pháp lý, gửi tín hiệu đến ông Biden mà không ảnh hưởng tới quan hệ cá nhân với ông Trump.

Vậy tại sao Saudi Arabia phủ nhận cuộc gặp? Câu trả lời có lẽ là Palestine. Quan hệ Saudi Arabia-Israel đã cải thiện sau khi Riyadh cho phép máy bay của Tel Aviv bay qua không phận hồi tháng 9. Tuy nhiên, chính quyền của Thái tử Mohammed bin Salman luôn thận trọng, lo ngại sự phản đối từ cộng đồng Hồi giáo bảo thủ ủng hộ Palestine. Thêm vào đó, Riyadh từng đánh tín hiệu rằng sẽ chỉ bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv khi có thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine và đảo ngược cam kết là nước đi mạo hiểm. Câu chuyện người thổi lửa, kẻ dập khói là vậy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-saudi-arabia-nguoi-thoi-lua-ke-dap-khoi-129900.html