Israel tấn công 'pháo đài cuối' của Hamas ở Deir al-Balah
Xe tăng Israel hôm qua (21/7) đã tiến vào thành phố miền Trung Deir al-Balah, đánh dấu lần đầu tiên quân đội nước này triển khai lực lượng trên bộ tới khu vực trung tâm Dải Gaza kể từ tháng 10/2023.
Deir al-Balah không chỉ là thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, mà còn được cho là nơi lực lượng này giam giữ các con tin.

Một cuộc không kích của Israel vào Gaza. Ảnh: Reuters
Theo truyền thông Israel, chiến dịch do Lữ đoàn Golani thực hiện dưới hình thức một cuộc diễn tập trên bộ có thể kéo dài nhiều tuần, đi kèm với các đợt pháo kích và không kích dữ dội. Quân đội Israel không công bố chi tiết nhưng tuyên bố đang mở rộng hoạt động nhằm phá hủy “cơ sở hạ tầng khủng bố”.
Deir al-Balah nằm trong cụm 4 khu trại tị nạn hình thành sau năm 1948, gồm Nuseirat, Bureij, Maghazi và Deir al-Balah, chiếm khoảng 10% diện tích Gaza. Kể từ khi xung đột với Hamas nổ ra cách đây 21 tháng, Israel vẫn tránh tấn công trên bộ nhằm vào khu vực này do lo ngại ảnh hưởng đến các con tin.
Israel hồi cuối tuần qua đã phát lệnh sơ tán gần 80.000 người dân khỏi khu vực rộng 6 km² tại Deir al-Balah. Điều này càng khiến tình hình nhân đạo thêm nghiêm trọng khi khu vực sơ tán bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như kho viện trợ, bệnh viện và trạm cấp nước. Theo Liên Hợp Quốc, hiện 87,8% diện tích Gaza đã nằm trong vùng buộc phải sơ tán hoặc bị quân sự hóa, khiến hơn 2 triệu người bị dồn ép vào chỉ còn 12% diện tích còn lại, nơi mà hạ tầng cơ bản gần như không còn hoạt động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận kho viện trợ chính của cơ quan này tại Deir al-Balah đã bị tấn công và cơ quan này hiện không còn đủ vật tư để hỗ trợ các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải và thiếu thốn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua cảnh báo các đường dây cứu sinh đang sụp đổ. Ông đồng thời kêu gọi Israel thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong việc đảm bảo an toàn cho dân thường cũng như tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo.
Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Dân thường phải được tôn trọng và bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Họ không thể là mục tiêu của bất kỳ hành động quân sự nào, trong khi hệ thống nhân đạo tại đây đang bị cản trở, suy yếu và đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Việc gia tăng các hoạt động thù địch trong những ngày qua, cùng với lệnh sơ tán mới tại Deir al-Balah chỉ khiến tình hình trở nên tuyệt vọng hơn, làm gia tăng số lượng người phải di dời và hạn chế nghiêm trọng khả năng cung cấp viện trợ cứu sinh".
Các nỗ lực của Mỹ, Qatar, Ai Cập và Jordan nhằm thúc đẩy đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas tới nay đều chưa mang lại kết quả cụ thể. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết phái đoàn Hamas tại Doha chưa thể phản hồi đề xuất mới nhất do mất liên lạc với các lãnh đạo của lực lượng này ở Dải Gaza. Trong khi đó, Israel hôm qua đã bác bỏ tuyên bố chung của 25 quốc gia phương Tây kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện, đồng thời khẳng định Hamas là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Tuy nhiên, áp lực quốc tế đang gia tăng.
Phát biểu trước Quốc hội ngày hôm qua, Ngoại trưởng Anh David Lammy tuyên bố: "Việc liên tục di dời người dân không mang lại sự an toàn, mà chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo. Tôi kêu gọi chính phủ Israel hãy lắng nghe tiếng nói của người dân, hơn 80% trong số họ mong muốn một lệnh ngừng bắn và đặc biệt là các gia đình có người thân bị bắt làm con tin. Đối thoại và chấm dứt chiến sự là con đường thực tế nhất để đưa những người thân yêu của họ trở về an toàn".
Tại Washington, Tổng thống Donald Trump được cho là đã bị "bất ngờ và không hài lòng" trước các hành động quân sự của Israel tại Gaza và Syria tuần qua. Ông đã gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu để phản đối cuộc không kích vào Nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza khiến 3 người thiệt mạng và yêu cầu Israel thừa nhận đây là "một sai lầm". Ông đồng thời thời nhấn mạnh thông điệp hòa bình và viện trợ nhân đạo cho người dân tại Dải Gaza.