Hành trình Trung Quốc giảm cơn khát dầu mỏ nhập khẩu

Cơn khát dầu mỏ của Trung Quốc là động lực chính cho nhu cầu toàn thế giới trong nhiều thập niên. Giờ đây, chiến dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế cơn khát dầu mỏ đang tiến gần đến một cột mốc quan trọng, với mức tiêu thụ quốc gia dự kiến đạt đỉnh vào năm 2027, sau đó bắt xuống dốc.

Xe điện được sản xuất tại nhà máy ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Xe điện được sản xuất tại nhà máy ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo The Wall Street Journal (Mỹ), các quan chức Trung Quốc từ lâu đã lo ngại Mỹ và các đồng minh có thể “khóa van” nguồn cung dầu mỏ nước ngoài khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào thế bị động. Bởi vậy, Trung Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD để giảm dần lượng dầu nhập khẩu bằng cách khôi phục sản xuất trong nước và nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp xe điện hàng đầu thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu: "Chúng ta phải nắm giữ bát cơm năng lượng trong tay".

Việc Trung Quốc kiềm chế cơn khát dầu mỏ sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng toàn cầu, với hàng tỷ USD dầu nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ biến mất trong những năm tới.

Đầu tư cho xe điện

Vào cuối năm 2013, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu ròng lớn nhất thế giới. Ngay sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập hợp đội ngũ kinh tế và nói với họ rằng Trung Quốc cần một "cuộc cách mạng" năng lượng để bảo vệ an ninh quốc gia. Bắc Kinh lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ Trung Đông, vốn đã khiến Mỹ bị cuốn vào các cuộc xung đột ở khu vực này trong nhiều thập niên. Ngoài ra, dư luận Trung Quốc khi đó cũng bất bình về tình trạng khói bụi ngột ngạt, một phần do số lượng ô tô gia tăng trên đường phố.

Trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi quan hệ giữa hai nước xấu đi, các chiến lược gia của chính phủ Trung Quốc lo ngại về sự phụ thuộc của quốc gia này vào Eo biển Malacca. Hầu hết các tàu vận chuyển dầu khí nhập khẩu vào Trung Quốc đều đi qua tuyến đường biển này. Thứ trưởng Thương mại Mỹ Paul Dabbar ước tính rằng nếu Trung Quốc mất quyền tiếp cận toàn bộ nguồn dầu khí nhập khẩu bằng đường biển, nền kinh tế của nước này có thể suy giảm tới 17%.

Lời kêu gọi hành động của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khơi mào một loạt hoạt động của chính phủ nhằm tăng tốc phát triển ngành công nghiệp xe điện còn non trẻ của nước này. Xe điện không chỉ giúp giảm nhu cầu dầu mỏ mà còn mang đến cho Trung Quốc cơ hội vượt mặt các nhà sản xuất ô tô Mỹ và các nơi khác sau nhiều năm chật vật để bắt kịp họ trong việc sản xuất động cơ đốt trong.

Để giảm chi phí xe điện, Trung Quốc đã miễn thuế bán hàng 10% - chương trình ước tính đã tiêu tốn hơn 100 tỷ USD kể từ năm 2018. Gần 500 công ty Trung Quốc tham gia vào thị trường sản xuất xe điện. Tuy nhiên, đến năm 2019, xe điện và xe hybrid cắm sạc chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường, với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn do dự chuyển đổi.

Bước ngoặt đến vào cuối năm đó khi Tesla, với hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền Thượng Hải, đã mở nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc.

Ông Michael Dunne tại công ty tư vấn Dunne Insights cho biết: "Lần đầu tiên, người tiêu dùng Trung Quốc được chứng kiến một chiếc ô tô thực sự hấp dẫn, mang hơi hướng tương lai. Nó đẹp, nhanh, và hội tụ tất cả những yếu tố lôi cuốn người tiêu dùng".

Sản phẩm xe điện của Hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sản phẩm xe điện của Hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Khi doanh số bán xe điện tăng vọt, chính phủ đã tăng cường trợ cấp để các công ty xây dựng trạm sạc công cộng. Chính phủ cũng yêu cầu các tòa nhà chung cư mới phải cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép cư dân dễ dàng lắp đặt cổng sạc riêng. Tính đến tháng 5, Trung Quốc đã có hơn 14 triệu điểm sạc, gấp 9 lần so với cuối năm 2020. Trong khi đó, Mỹ có khoảng 230.000 điểm sạc công cộng và tư nhân, bên cạnh hàng trăm nghìn điểm sạc tại nhà riêng.

Thành phố Thượng Hải còn cung cấp biển số xe xanh miễn phí cho người mua xe điện. Các thành phố cũng thay thế xe buýt diesel bằng xe buýt điện. Đến năm 2023, hơn 80% xe buýt thành phố của Trung Quốc là xe điện hoặc xe hybrid.

Nhà sản xuất pin Trung Quốc CATL đã báo cáo lợi nhuận ròng 18 tỷ USD trong 3 năm qua và đầu tư hơn 7 tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển. Hiện nay, CATL cùng đối thủ BYD cho biết họ đã phát triển công nghệ sạc ô tô chỉ trong 5 phút.

Ngày nay, các nhà máy sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc là biểu tượng cho năng lực sản xuất của nước này. Cách nhà máy Tesla tại Thượng Hải chưa đầy 161km về phía Nam, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Zeekr đã tự động hóa toàn bộ quy trình, với hơn 800 robot đảm nhiệm công việc. Một trong những chiếc xe của hãng là Zeekr 001 có phạm vi hoạt động lên tới 750km.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ 231 tỷ USD cho xe điện trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2023. Trên khắp Trung Quốc, đội xe taxi Volkswagen và Hyundai ngốn xăng đang được thay thế bằng các mẫu xe điện thiết kế và sản xuất nội địa. Năm 2024, gần một nửa số xe chở khách được bán tại Trung Quốc là xe điện hoặc xe hybrid cắm sạc. Trong khi vào năm 2020 con số này là 6%.

Nhưng nhiều nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang thua lỗ. Tình trạng sản xuất quá mức đã kéo theo cuộc chiến giá cả tàn khốc trong nước, và việc đẩy mạnh xuất khẩu xe điện đã làm gia tăng căng thẳng thương mại.

Chủ trương giảm nhập khẩu "vàng đen"

Giếng dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giếng dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Các công ty dầu khí nhà nước lớn nhất của Trung Quốc và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh trong vòng hai năm tới, còn nhu cầu xăng và dầu diesel đã đạt đỉnh.

Trung Quốc dự kiến không ngừng nhập khẩu dầu. Nước này vẫn nhập khẩu khoảng 11 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ, tăng từ mức dưới 3 triệu thùng/ngày của 20 năm trước. Tổng lượng tiêu thụ dầu có thể sẽ chỉ giảm từ từ bởi nhu cầu dầu của Trung Quốc để sản xuất hóa dầu tiếp tục tăng.

Vào tháng 6, IEA đã cắt giảm dự báo nhu cầu của Trung Quốc trong giai đoạn 2028-2030 hơn một triệu thùng mỗi ngày so với dự đoán trước đó một năm.

Nhiều quốc gia xuất khẩu dầu đang mong muốn giữ lại một phần trong thị trường Trung Quốc. Nga đã bán dầu cho Trung Quốc với giá chiết khấu để đảm bảo Bắc Kinh tiếp tục mua. Saudi Arabia đã đầu tư vào các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc để củng cố các hợp đồng dài hạn cung cấp dầu cho những cơ sở này.

Trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 3, giám đốc điều hành của Saudi Aramco đã dành nhiều lời khen ngợi cho Trung Quốc và nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc là "ốc đảo của sự chắc chắn" trong thế giới đầy biến động.

Khi chính phủ Trung Quốc ưu tiên xe điện, các công ty nhà nước bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu trong nước, chuyển sang nhập khẩu nhiều dầu thô từ các nguồn rẻ hơn ở nước ngoài. Vào tháng 7/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân can thiệp, ra lệnh cho các công ty nhà nước khôi phục sản xuất nội địa để bảo vệ an ninh quốc gia.

Ba công ty dầu khí nhà nước đã đầu tư thêm 10 tỷ USD vào hoạt động thăm dò và sản xuất vào năm sau.

Tại một vùng xa xôi của Trung Quốc được mệnh danh là "biển tử thần" do điều kiện khắc nghiệt, các công nhân dầu khí đang cố gắng khai thác thêm dầu thô từ lòng đất bằng cách khoan các lỗ sâu bằng độ cao của đỉnh Everest. Tập đoàn dầu khí nhà nước PetroChina đã báo cáo khoản chi phí vốn 38 tỷ USD vào năm ngoái, gần bằng tổng chi tiêu của Exxon Mobil và Chevron.

Trung Quốc đã tăng sản lượng dầu thêm 13% từ năm 2018 đến năm 2024, đạt khoảng 4,3 triệu thùng/ngày. Nhập khẩu dầu thô đã giảm gần 2% vào năm ngoái, nhưng phục hồi nhẹ trong năm nay do một số công ty Trung Quốc tích trữ dầu.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hanh-trinh-trung-quoc-giam-con-khat-dau-mo-nhap-khau-20250722161332570.htm