Israel tăng cường năng lực sản xuất bom hạng nặng, giảm phụ thuộc nhập khẩu
Theo các thỏa thuận trị giá khoảng 275 triệu USD với Bộ Quốc phòng Israel, nhà sản xuất vũ khí tư nhân Elbit sẽ cung cấp cho không quân nước này hàng nghìn đầu đạn hạng nặng.
Ngày 7/1, Bộ Quốc phòng Israel thông báo đã ký các thỏa thuận trị giá khoảng 275 triệu USD với Elbit - nhà sản xuất vũ khí tư nhân lớn nhất trong nước - để sản xuất bom hạng nặng và nguyên liệu thô cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng, qua đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ Quốc phòng Israel nhấn mạnh việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu là "một bài học quan trọng" từ cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời khẳng định: "Những thỏa thuận chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực tác chiến và xây dựng lực lượng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF)."
Theo thỏa thuận, Elbit sẽ cung cấp cho không quân Israel hàng nghìn đầu đạn hạng nặng. Thỏa thuận thứ hai sẽ bao gồm thành lập một nhà máy sản xuất nguyên liệu thô - trước đây chủ yếu được nhập từ nước ngoài.
Bộ Quốc phòng không nêu rõ các loại nguyên liệu thô, nhưng cho biết số nguyên liệu này được dùng để sản xuất đạn dược.
Ông Eyal Zamir, quan chức Bộ Quốc phòng Israel, khẳng định cơ quan này đang đặt nền móng cho việc tăng cường năng lực sản xuất độc lập trong hai lĩnh vực quan trọng đối với hoạt động của IDF là sản xuất đạn dược hạng nặng trong nước và thành lập một nhà máy nguyên liệu thô quốc gia.
Hai thỏa thuận sẽ đảm bảo năng lực chủ quyền trong việc sản xuất bom và đạn dược các loại.
Quan chức này xác nhận Israel đã khởi xướng kế hoạch sản xuất vũ khí trong nước từ trước tháng 10/2023 và xung đột tại Gaza đã khiến quốc gia này đẩy nhanh lộ trình.
Trong thập kỷ qua, Israel đã gia tăng đáng kể lượng vũ khí nhập khẩu. Cơ sở dữ liệu chi tiêu quân sự SIPRI ước tính Israel là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 15 thế giới, chiếm 2,1% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ chiếm 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel. Mỹ cung cấp nhiều loại vũ khí lớn, bao gồm máy bay, xe bọc thép, tên lửa vừa tàu chiến.
Đức chiếm 30% lượng vũ khí lớn mà Israel nhập khẩu trong giai đoạn 2019-2023. Những vũ khí này chủ yếu dành cho lực lượng hải quân của Israel: 81% số đợt chuyển giao là khinh hạm và 10% khác là ngư lôi. 8,5% còn lại là động cơ xe bọc thép, bao gồm cả động cơ cho xe bọc thép được sử dụng trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
Cũng trong giai đoạn 2019-2023, Italy chiếm 0,9% lượng vũ khí lớn mà Israel nhập khẩu. Phần lớn trong số này bao gồm trực thăng hạng nhẹ (59%); phần còn lại là pháo hải quân (41%) được trang bị cho các khinh hạm do Đức cung cấp./.