Israel tiếp tục không kích Lebanon bất chấp áp lực quốc tế
Ngày 26/9, chính phủ Israel thể hiện thái độ cứng rắn trước lời kêu gọi ngừng bắn tại Lebanon từ cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả đồng minh lớn nhất là Mỹ, khi tiếp tục các cuộc không kích khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Theo hãng tin Reuters trích dẫn Bộ Y tế Lebanon, một máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công vào vùng ngoại ô thủ đô Beirut ngày 26/9, khiến 2 người thiệt mạng và 15 người bị thương, trong đó có một phụ nữ trong tình trạng nguy kịch. Lực lượng Hezbollah cho biết cuộc không kích còn khiến người đứng đầu một trong những đơn vị không quân của nhóm này là ông Mohammad Surur thiệt mạng.
Quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đấu của Israel ngày 26/9 còn tấn công cả cơ sở hạ tầng trên biên giới Lebanon - Syria nhằm ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí từ Syria cho Hezbollah ở Lebanon. Với các động thái này, số người thiệt mạng tại Lebanon trong ngày 26/9 do các cuộc không kích mới nhất của Israel lên tới 28 người và tổng cộng đã có hơn 600 người chết tính từ ngày 23/9.
Bộ Y tế Lebanon cho biết hầu hết các nạn nhân thiệt mạng hôm 26/9 là người Syria tại thị trấn Younine ở Thung lũng Bekaa. Lebanon là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người Syria chạy trốn khỏi cuộc nội chiến.
Ở một diễn biến khác tại biên giới Israel với Lebanon, quân đội nước này cũng đã tổ chức một cuộc tập trận mô phỏng một chiến dịch tấn công trên bộ - một giai đoạn tiếp theo có khả năng sẽ xảy ra sau các cuộc không kích liên tục và các vụ nổ thiết bị liên lạc tại Lebanon.
Phát biểu trong một video được công bố cuối ngày 26/9, Thiếu tướng Tomer Bar, Tư lệnh Không quân Israel tuyên bố không quân nước này đang có kế hoạch hỗ trợ quân đội trong trường hợp có một chiến dịch trên bộ và sẽ ngăn chặn mọi hoạt động chuyển giao vũ khí từ Iran.
Bản thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước thềm cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/9 tại New York cũng khẳng định với các phóng viên rằng, quân đội nước này sẽ tiếp tục tấn công Hezbollah "bằng toàn lực và chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình, trước hết là đưa người dân miền bắc trở về nhà an toàn".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz phát biểu trên X rằng: "Sẽ không có lệnh ngừng bắn ở miền bắc".
Lập trường cứng rắn của Israel đang khiến hy vọng về một giải pháp hòa bình tại Lebanon ngày càng xa vời.
Nhận định về tình hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không tin rằng việc Israel từ chối giải pháp hòa bình là quyết định chắc chắn. Ông cho biết: "Sẽ là sai lầm của Thủ tướng Israel nếu từ chối vì ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình leo thang trong khu vực. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đảm bảo đề xuất này được chấp nhận". Nhà lãnh đạo Pháp còn cho biết thêm rằng quốc gia này đã sẵn sàng triệu tập một cuộc họp mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thông qua đề xuất ngừng bắn 21 ngày tại Lebanon.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói trong một cuộc họp báo cùng ngày 26/9 rằng Israel đã "được thông báo đầy đủ và nhận thức đầy đủ về từng từ" trong đề xuất ngừng bắn và các đồng minh hy vọng rằng đề xuất này sẽ được xem xét nghiêm túc.
Nhà Trắng cũng cho biết các quan chức Israel và Mỹ, bao gồm đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Brett McGurk, đang tiến hành thảo luận với nhau trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có kế hoạch gặp Bộ trưởng Bộ Chiến lược Israel Ron Dermer.
Phát biểu tại London, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cảnh báo rằng có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, nhưng vẫn có thể đạt được giải pháp ngoại giao. "Tôi xin nói rõ rằng, Israel và Lebanon có thể chọn một con đường khác, bất chấp sự leo thang căng thẳng trong những ngày gần đây, giải pháp ngoại giao vẫn khả thi," ông Austin nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdallah Bou Habib cuối ngày 26/9 kêu gọi Liên Hợp Quốc nhanh chóng thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức "trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát, với hiệu ứng domino, khiến cuộc khủng hoảng này không thể kiểm soát được".
"Hiện tại, Lebanon đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng đe dọa đến sự tồn tại của chính mình," ông Bou Habib nói.